Được thành lập từ năm 1983, với tiền thân là Tổ hợp tác Cơ khí, đến năm 1995 thì Mạnh Quang chuyển sang mô hình Hợp tác xã Cơ khí. Đến đầu năm 1999, Hợp tác xã ấy chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang hôm nay.
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, giờ đây, Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang đã khẳng định được vị thế vững chắc của mình trên thương trường với sản phẩm nhông xích danh tiếng cũng như các dòng sản phẩm phụ trợ cơ khí chất lượng cao, bao gồm: Sản phẩm bánh răng; sản phẩm cơ khí gia công; sản phẩm nhông tải Procket; sản phẩm trục; sản phẩm cơ khí dập fine blanking; sản phẩm cơ khí dập nguội cold forging; sản phẩm cơ khí dập nóng hot forging và sản phẩm cơ khí dập thông thường Press. Tất cả các sản phẩm đều đáp ứng các tiêu chuẩn cao về độ chính xác, độ bền và độ tin cậy. Đây cũng chính là cơ sở đã giúp Mạnh Quang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để có được uy tín cũng như sự tin cậy ấy, trong hành trình phát triển của mình, Mạnh Quang đã không ngừng nỗ lực về mọi mặt, từ chất lượng sản phẩm đến yếu tố con người, mô hình quản lý, chiến lược kinh doanh,… Trong đó, có những dấu ấn đáng nhớ như: Từ những năm 1999, 2000, khi bắt đầu hình thành ngành Công nghiệp xe máy tại Việt Nam, phụ tùng cơ khí xe máy Mạnh Quang đã được nhiều hãng xe máy nội địa đặt hàng để lắp ráp.Tới năm 2008, Mạnh Quang chính thức trở thành nhà cung cấp phụ tùng linh kiện cho Honda Việt Nam. Nhờ sự đồng hành cùng với một thương hiệu tầm cỡ thế giới như Honda, Mạnh Quang đã đưa thương hiệu của mình lên tầm cao mới, không những đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (từ 2010 đến nay); Thương hiệu sản phẩm Công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (2018); Giải thưởng Honda Best Kaizen KI90,… mà còn nhanh chóng vươn đến tiêu chuẩn quốc tế.
Một góc cơ sở sản xuất với trang thiết bị hiện đại của Mạnh Quang
Có được vị thế ấy, cũng là bởi những năm qua, Mạnh Quang luôn nỗ lực, không ngừng đầu tư, đổi mới mọi mặt SXKD. Trong đó, đặc biệt là Mạnh Quang đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015; ISO 14001:2015. Hơn nữa, Mạnh Quang đã mở rộng quy mô hạ tầng kỹ thuật sản xuất với 3 Nhà máy trải rộng lên đến 27.500m2 nhà xưởng (gồm nhiều phân xưởng gia công áp lực, gia công cắt gọt, gia công tinh và nhiệt luyện), hàng trăm máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện đại; đại lý rộng khắp 64 tỉnh thành, cùng đội ngũ CBCNV 250 người. Với quy mô đó, Mạnh Quang hôm nay có đủ năng lực chế tạo nhiều loại chi tiết cơ khí phức tạp nhất, yêu cầu độ chính xác cao, tiêu chuẩn quốc tế trong ngành phụ trợ cơ khí chế tạo máy.
Một số sản phẩm phụ trợ ngành cơ khí do Mạnh Quang sản xuất
Với sự phát triển ngày một vững chắc, những năm qua, Mạnh Quang đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đời sống kinh tế Thủ đô (khi đạt doanh thu hàng năm gần 200 tỷ đồng), từng bước nâng cao hình ảnh, vị thế doanh nghiệp công nghiệp cơ khí Hà Nội, doanh nghiệp phụ trợ công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, để xây dựng phát triển ngành Công nghiệp cơ khí đạt như kỳ vọng trong thời gian tới, Mạnh Quang nói riêng và các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí nói chung cần phải nỗ lực hơn nữa rất nhiều.
Hiện nay, theo giới chuyên môn, ngành Cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành còn chưa thể hiện rõ vai trò nền tảng cho phát triển công nghiệp. Cũng chính bởi thế, mà Chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (theo Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt mục tiêu, đến năm 2025 ngành Cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng ngành Cơ khí; đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành Cơ khí.
Tại Hội thảo “Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp ngành Cơ khí và Tự động hoá” do Cục Công nghiệp (VIA), Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức hồi tháng 7/2023, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế. Hiện ngành cơ khí trong nước từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy các ngành Công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cơ khí vẫn còn đang đối mặt với những hạn chế, như cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt, thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh.
Thực tiễn này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Ông Phạm Tuấn Anh cũng bày tỏ sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ với các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công nghiệp cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung sẽ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Chính những kỳ vọng và mục tiêu nói trên của ngành Cơ khí, mà Mạnh Quang hôm nay đã và đang quyết tâm đầu tư vào công nghệ mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt là phấn đấu làm chủ công nghệ, trên tinh thần: Đầu tư đổi mới công nghệ là yêu cầu bức thiết từng ngày, từng giờ. Tất nhiên, Công ty cũng cân nhắc, tính toán lộ trình thích hợp. Theo đó, Công ty luôn khuyến khích các ý tưởng cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu suất cho thiết bị công nghệ trong quá trình sản xuất; tiếp tục đầu tư nghiên cứu các công nghệ sản xuất tiên tiến như các công nghệ dập Fine Blanking, công nghệ gia công bột kim loại… Từ đó sẽ tiến tới chinh phục các chi tiết khó, phức tạp, với yêu cầu kỹ thuật ngày một cao phục vụ trong ngành Công nghiệp ôtô, chế tạo động cơ,… và đưa ngành Công nghiệp Cơ khí, phụ trợ Cơ khí Việt Nam lên những tầm cao mới... ./.
Hưng Hà