Theo số liệu từ Sở Công Thương Nam Định, số lượng doanh nghiệp trong ngành Cơ khí của Nam Định tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân hơn 12%/năm. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí ngày càng đa dạng, như: Luyện cán thép (làm nguyên liệu), đúc thép, đúc hợp kim, sản xuất động cơ, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy (có tải trọng đến trên 10 nghìn tấn), đúc chi tiết máy công nghiệp... Trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã từng bước làm chủ khâu thiết kế, chế tạo kết cấu, các chi tiết linh kiện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chi tiết trong các sản phẩm. Trong đó, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đóng góp vào thành tựu đó, không thể không nhắc tới Công ty TNHH Mai Văn Đáng – Doanh nghiệp cơ khí chuyên sản xuất phụ tùng xe gắn máy, phụ tùng ô tô… có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Xá, phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định (diện tích 20.000m2).
Ngay từ khi mới thành lập tổ hợp sản xuất nhỏ, Doanh nhân Mai Văn Đáng - Giám đốc Công ty TNHH Mai Văn Đáng đã phải rất khó khăn, chật vật bởi mọi việc như không ủng hộ ông. Thiếu nguồn vốn hoạt động, trong khi lực lượng lao động ban đầu chưa được đào tạo một cách bài bản. Một trong những hạn chế lớn của các doanh nghiệp trong nước chính là khâu đầu tư, mà đã thiếu thiết bị máy móc, công nghệ cao sẽ đi kèm với sản phẩm chất lượng thấp, mẫu mã không đảm bảo. Đấy là chưa kể tới việc sản phẩm làm ra phải có khách hàng tiêu thụ, phải mở rộng thị trường, cùng hàng loạt các cơ chế, chính sách sau bán hàng để phát triển DN. Bằng quyết tâm cao, sự quyết đoán trong điều hành, đầu những năm 2000, Lãnh đạo Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng để trang bị các loại máy móc, thiết bị hiện đại, như máy hàn, máy dập ép, máy cắt gọt...; riêng dây chuyền mạ là thiết bị của Enthone-OMI, một tập đoàn đa quốc gia đóng trụ sở tại Singapore.
Ngoài việc gia công ống bô xe gắn máy nhỏ với vài sản phẩm, sau đó mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng cơ khí chủ lực khác được khách hàng chấp nhận, nhiều doanh nghiệp lớn về lắp ráp xe máy như: Intimex, Vinafort, Viexim, Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ Hải Phòng... đã ký hợp đồng mua sản phẩm của Công ty với số lượng lớn. Những năm gần đây, Công ty cũng đã không ngừng đầu tư, nâng cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị để đảm bảo các yếu tố về nhà xưởng đạt được tiêu chuẩn và áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001 ở tất cả các khâu. Công nghệ dập gồm nhiều máy móc, đột dập và máy chuyên dùng được nhập khẩu từ Nhật Bản có thể đáp ứng được độ tỉ mỉ, chính xác; công nghệ phun sơn được nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan tạo ra các sản phẩm có thể chịu nhiệt lên đến 800 độ C và đảm bản yêu cầu chịu axit, kiềm, xăng, nhớt, nước,.. Đặc biệt, kĩ thuật hàn là điểm mạnh nổi bật với các Robot hàn MIC và thiết bị hàn được nhập khẩu từ Nhật Bản có thể thực hiện được các công việc phức tạp nhất cho các sản phẩm khác nhau, điển hình là các loại: Máy hàn hồ quang, máy hàn CO2, máy hàn chập; các loại khóa yên xe máy như khóa yên Ware, bản lề yên; Càng xe máy, ghi đông, chân phụ, càng Jupiter; ống bô xe máy Dream II, bô xe cúp 82; Hộp xích xe máy Wave trắng và bô ô tô các loại… Cũng chỉ sau ít năm đi vào hoạt động cho đến nay, Công ty TNHH Mai Văn Đáng đã trở thành DN cơ khí hàng đầu của tỉnh Nam Định cả về quy mô và sự hiệu quả kinh tế, đóng góp đáng kể vào ngân sách của địa phương.
Trong xưởng sản xuất của Công ty Mai Văn Đáng
Sở dĩ có được thành công như vậy là bởi Công ty TNHH Mai Văn Đáng luôn thực hiện đúng tôn chỉ, triết lý kinh doanh: “Nghiêm ngặt về chất lượng - Giá cạnh tranh tuyệt đối - Giao hàng đúng thời hạn - Bảo hành nghiêm túc”. Trong đó, áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001; Hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đặc biệt là phương pháp “Kaizen và 5S” của Nhật Bản ở tất cả các khâu. Nhiều thiết bị mới, hiện đại như công nghệ dập gồm nhiều máy móc, đột dập và máy chuyên dùng được nhập khẩu từ Nhật Bản có thể đáp ứng được độ tỉ mỉ, chính xác; công nghệ phun sơn được nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan tạo ra các sản phẩm có thể chịu nhiệt lên đến 800 độ C và đảm bản yêu cầu chịu axit, kiềm, xăng, nhớt, nước,.. giúp Công ty có được những sản phẩm không chỉ đảm bảo tính kỹ thuật, độ chính xác mà còn có giá cả cạnh tranh trên thị trường.
Theo quan điểm của Doanh nhân Mai Văn Đáng, hiện nay, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sôi động và có sức hấp dẫn đối với cộng đồng DN, doanh nhân nước ta. Chỉ tính trên địa bàn Nam Định cũng hiện có khoảng hơn 200 DN tham gia sản xuất các mặt hàng cơ khí như phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp, trong đó một số DN đã mạnh dạn đầu tư, đột phá vào các lĩnh vực sửa chữa tàu thuỷ có trọng tải lớn, luyện kim đen, đúc thép, dây lưới thép, dây điện, tôn mỹ nghệ xuất khẩu, đồ gia dụng cao cấp bằng inox, chất lượng cao… phục vụ nhu cầu của thị trường. Đâu đó, có ý kiến cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực rất “cao sang”, phải là những phát minh, sáng kiến, sáng chế, các máy móc, thiết bị, các sản phẩm có giá trị lớn và chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mới thực hiện được. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, công nghiệp hỗ trợ là sự liên kết sản xuất các chi tiết có sẵn thiết kế và làm theo đơn đặt hàng, điều này, chúng tôi đã và đang làm tốt, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước EU Nhật Bản, và Đông Nam Á.
Có thể nói, những nỗ lực đầu tư sản xuất có tính căn cơ, bài bản của Công ty TNHH Mai Văn Đáng là rất đáng khích lệ, nó không chỉ thể hiện được ý chí, bản lĩnh của DN – Doanh nhân khi tham gia vào hoạt động thị trường. Điều quan trọng chính Công ty Mai Văn Đáng đã đi đầu trong chiến lược phát triển ngành Công nghiệp cơ khí, trong đó trực tiếp sản xuất các linh kiện kim loại, góp phần nâng tỷ lệ sản phẩm nội địa của tỉnh Nam Định đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước./.
Minh Hiếu