Thứ Sáu, 22/11/2024 10:12:31 GMT+7
Lượt xem: 1653

Tin đăng lúc 09-10-2023

Nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường cho ngành cơ khí Việt Nam

Trong những năm qua, ngành Cơ khí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển. Dù vậy số lượng sản phẩm cơ khí mang thương hiệu Việt Nam vẫn chưa nhiều, xuất khẩu của ngành Cơ khí vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường cho ngành cơ khí Việt Nam
Hoạt động sản xuất tại Hưng Yên của Công ty TNHH Dụng cụ An Mi

Với khoảng 30.000 DN cơ khí đang hoạt động, năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành Cơ khí Việt Nam đạt 16,5% so với năm 2021. Trong khi đó, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động. Trong những năm qua, ngành Cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định; một số DN cơ khí có quy mô lớn và có sức cạnh tranh, tập trung thế mạnh ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô... Tại các địa phương cũng đã hình thành một số cụm, ngành cơ khí.

 

Điển hình, cơ khí chế tạo trong nước đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Một số lĩnh vực ghi nhận có sự chuyển biến, đột phá như: Chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện), chế tạo giàn khoan dầu khí, thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại...

 

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, năm nay, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có DN đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30% - 40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất; năng lực của DN trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, trong nhiều công đoạn sản xuất, DN Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các DN Trung Quốc, Ấn Độ.

 

Dù vậy, thực trạng của ngành Cơ khí lúc này vẫn là thiếu nhiều sản phẩm có thương hiệu, thiếu DN cơ khí lớn mang tầm quốc tế. Thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về khối DN FDI. Cụ thể, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI đạt 42,55 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 93% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng của cả nước (cao hơn so với mức tỷ trọng 92,75% của năm 2021).

 

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay công nghiệp cơ khí trong nước chưa có mặt hàng truyền thống, trong khi các DN vẫn ngại thay đổi quy mô sản xuất. Sản phẩm cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, nguyên liệu vật tư lại phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, những hạn chế về luật thương mại quốc tế của DN cơ khí đã khiến các khách hàng nước ngoài chưa hài lòng”.

 

Bài toán nguyên liệu, linh kiện cũng là thách thức lớn với các DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ cơ khí. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT (Hà Nội) đơn vị chuyên sản xuất máy biến áp. Đại diện Công ty cho hay, khó khăn lớn nhất của DN không phải là vốn hay nhân công mà là ở khâu tìm kiếm nguồn nguyên liệu, linh kiện. Lý do là chất lượng các sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu hoặc chưa có thông tin kết nối. “Nguyên vật liệu nhập khẩu không chỉ làm giảm lợi nhuận của DN mà nhiều khi phải chờ nguyên liệu 2-3 tháng mới về. Điều này làm ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, giao hàng của DN”, ông Trần Văn Nam, Tổng giám đốc MBT cho biết.

 

Từ thực tế địa phương, ông Đinh Hồng Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội các DN cơ khí tỉnh Bắc Giang cho biết, ngành cơ khí Bắc Giang đã chế tạo được thiết bị tiên tiến sử dụng trong lĩnh vực thủy điện, điện gió, lò đốt rác... nhưng hầu hết DN có quy mô nhỏ, thiếu người định hướng, dẫn dắt, kết nối tạo sân chơi. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện cho DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; cùng với đó, đề nghị cần có chính sách yêu cầu các DN FDI nội địa hóa theo tỷ lệ % nhất định.

 

Để tăng thêm cơ hội cho các DN cơ khí tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhìn nhận từ thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: Hiện Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào một quốc gia và mở rộng sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Do đó, DN cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất để có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với DN Nhật Bản, qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho các DN trong ngành. Đó là hỗ trợ tăng cường kết nối, tiếp xúc giữa DN trong nước với các DN, tập đoàn lớn, hiệp hội đối tác của các thị trường để trao đổi, hợp tác phát triển kinh doanh sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, tiếp cận đối tác qua thương mại điện tử - một kênh thông tin hiệu quả và là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.

 

Câu chuyện hợp tác quốc tế của THACO có thể sẽ truyền cảm hứng cho nhiều DN Việt Nam có thêm động lực vươn mình ra biển lớn. Hồi đầu tháng 8/2023, chính quyền Quảng Nam và Tổ hợp cơ khí ô tô Trường Hải đã đón đoàn khách đặc biệt đến từ bang California do bà Sheng Thao - Thị trưởng thành phố Oakland dẫn đầu. Điều này đã mở ra cơ hội mới mà Trường Hải là người đi tiên phong và bắt đầu vẽ lại bản đồ ô tô bên kia bờ Thái Bình Dương. Khi tận mắt nhìn tổ hợp cơ khí ô tô THACO - Chu Lai, Thị trưởng thành phố Oakland Sheng Thao hy vọng sẽ được trao đổi, tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Khách tham quan triển lãm MTA Vietnam 2023

 

Tương tự, Triển lãm quốc tế hàng đầu về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo - MTA Vietnam 2023 vừa diễn ra TP.HCM hồi đầu tháng 7 cũng là cơ hội vàng để DN cơ khí Việt Nam hội nhập thương mại thế giới, bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành. Triển lãm đánh dấu một trở lại hoành tráng bằng sự tham gia đông đảo của hơn 400 DN từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Ý, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

 

Với chủ đề “Đón đầu làn sóng tương lai”, MTA Vietnam triển khai nhiều hoạt động thiết thực và có tính ứng dụng cao về tự động hóa nói chung, cũng như ứng dụng robot trong sản xuất nói riêng. Hàng nghìn máy móc, thiết bị và giải pháp tiên tiến nhất cho ngành Cơ khí, chế tạo sẽ được trưng bày, bên cạnh chuỗi chương trình hội thảo chuyên sâu do các tổ chức, chuyên gia hàng đầu trong ngành kiến tạo.

 

Thế Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang