Chủ Nhật, 24/11/2024 21:14:26 GMT+7
Lượt xem: 3282

Tin đăng lúc 12-08-2016

Nâng tầm giá trị hàng Việt: Nhiều chương trình hiệu quả

Tham gia Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ-TTg của Chính phủ, nhiều địa phương tại miền Đông Nam bộ đã làm tốt công tác này bằng những giải pháp cụ thể và thiết thực.
Nâng tầm giá trị hàng Việt: Nhiều chương trình hiệu quả
Hàng Việt “phủ sóng” với tỷ trọng lớn tại các siêu thị

Hiệu quả bình ổn thị trường theo cơ chế mới

 

Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, năm 2016, chương trình bình ổn thị trường của thành phố bước vào năm thứ 14 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, đã có 42 doanh nghiệp (DN) tham gia và 10 ngân hàng cam kết hỗ trợ 12.900 tỷ đồng để bình ổn 9 nhóm hàng với 500 mặt hàng.

 

“Năm 2016 cũng là năm thứ 4 thành phố thực hiện bình ổn thị trường theo cơ chế mới, mục tiêu là chăm lo tốt hơn về an sinh xã hội gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ đó đã giúp DN chủ động được khâu sản xuất, cung ứng, mở rộng kênh phân phối hàng Việt đến với các vùng miền” - ông Phạm Thành Kiên nhận định.

 

Riêng chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, đến nay các đơn vị, DN đã ký kết 1.349 hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó thành phố tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương đạt hơn 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh hơn 6.500 tỷ đồng. Theo ông Hòa, chương trình kết nối cung cầu đã giải quyết được khâu mở rộng sản xuất, dự báo đúng thị trường, tạo điều kiện ổn định về “đầu ra” cho sản phẩm, người tiêu dùng có hàng hóa chất lượng để tiêu dùng.

 

Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2016. Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy - Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội của thành phố được duy trì với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thực hiện thường xuyên đã từng bước tác động đến nhận thức của người tiêu dùng theo hướng quan tâm và chọn lựa mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước.

 

Tại buổi sơ kết, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng lưu ý: Để hàng Việt cạnh tranh với hàng ngoại các DN cần nâng tầm giá trị hàng Việt bằng cách tạo thêm nhiều chỗ đứng cho hàng Việt tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích từ đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn.

 

Đưa hàng Việt về chợ truyền thống một cách căn cơ

 

Cũng như TP. Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Bình Dương quan tâm. Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Võ Văn Cư cho biết, thực hiện chủ trương, Bình Dương đã triển khai đồng bộ đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt và phát huy hiệu quả cao qua từng năm. Cụ thể, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ các DN tổ chức các phiên chợ vui phục vụ công nhân một số khu, cụm công nghiệp tập trung và ở nông thôn với chất lượng tốt, giá ưu đãi, hàng giảm giá, khuyến mãi, góp phần tạo điều kiện người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận hàng Việt. Ngành công thương tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường trong nước”, hội thi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn DN các giải pháp đưa hàng Việt về chợ truyền thống một cách căn cơ, lâu dài, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt, góp phần phát triển thị trường trong nước…

 

Để hàng Việt thực sự lan tỏa đến từng người tiêu dùng trên địa bàn, ông Võ Văn Cư cho rằng: Sở Công Thương cần phối hợp với các đơn vị, hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam và tổ chức truyền thông mạnh mẽ bằng nhiều chương trình thường kỳ, chuyên mục, chuyên trang để quảng bá về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...

 

Phủ sóng mạnh mẽ

 

Ông Dương Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai - cho rằng, hàng Việt hiện nay đã phủ sóng rộng trên địa bàn và tiếp tục được nâng cấp từ số DN tham gia đến mở rộng hệ thống phân phối, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Tại Đồng Nai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực hiện từ năm 2008 đến nay với nhiều hoạt động nổi bật như: “Tuần hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Phiên chợ vui”, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao…Trong 5 năm qua (2011- 2015), hàng Việt đã chứng tỏ được độ phủ sóng mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn. Hiện tại, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm... hàng Việt Nam gần như đang chiếm lĩnh thị trường. Tại các siêu thị lớn, như BigC, Co.opmart, Vinatex Mart, Lotte Mart... hàng Việt Nam luôn chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa. Tại các chợ truyền thống, hàng Việt Nam cũng đang chiếm đa số, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu.

 

Theo ông Dũng, rất nhiều thương hiệu hàng Việt được sản xuất tại Đồng Nai, đã và đang lớn mạnh theo từng năm, thuộc nhiều ngành nghề như: Trường Hải, Bitis, Bibica, sơn Đồng Nai, Thibidi, Lothamilk... và cơ hội sẽ mở ra cho DN khi Việt Nam đã và đang ký kết, đàm phán các hiệp định thương mại kinh tế song và đa phương. Với mục tiêu giúp hàng Việt phủ sóng rộng khắp, ngoài triển khai, mở thêm cửa hàng, ngành Công Thương Đồng Nai sẽ chỉ đạo đưa thêm một số mặt hàng đặc sản của địa phương: Bưởi Tân Triều, đường cát Biên Hòa và một số sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu cao su như giày dép, đồ bảo hộ lao động… vào điểm bán hàng Việt cố định để người tiêu dùng có thêm cơ hội mua sắm.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang