Thứ Sáu, 22/11/2024 10:56:25 GMT+7
Lượt xem: 3609

Tin đăng lúc 25-02-2017

Ngành Công Thương lên kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh

Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Ngành Công Thương lên kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh
Ảnh minh họa

Theo Kế hoạch chỉ tiêu tập trung chủ yếu là môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Cụ thể bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới; củng cố, duy trì các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu. Tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.

 

Đồng thời đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày.

 

Bên cạnh đó tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

 

Đối với mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCl) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 515 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.

 

Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số được phân công, đề xuất về các chính sách, cơ chế, giải pháp, nhiệm vụ để cải thiện các chỉ số được phân công.

 

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Định kỳ hàng quý, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gửi Vụ Kế hoạch (trước ngày 10 của các tháng 3, tháng 6, tháng 9 và trước ngày 5/12).

 

Tổng cục Năng lượng, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Pháp chế cùng các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính và ý nghĩa của các chỉ tiêu xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng.

 

Tổng cục Năng lượng, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.

 

Văn phòng Bộ thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước...

 

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

 

Nguồn Doanhnghiepvn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang