Thứ Sáu, 22/11/2024 15:30:58 GMT+7
Lượt xem: 1866

Tin đăng lúc 19-04-2023

Ngành Dệt May Việt Nam nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ

Trong quý I vừa qua, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may đã bị ảnh hưởng khi các khách hàng cắt giảm đơn hàng do lo ngại về tiêu thụ cũng như chưa đẩy bớt hàng tồn kho. Chỉ khi tháo gỡ được những vấn đề đó, thì ngành Dệt May mới có thể phục hồi được trong quý II này.
Ngành Dệt May Việt Nam nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ
Ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn

Những khó khăn đã được dự báo

 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,298 tỷ USD, tăng 18,11% so với tháng trước nhưng giảm 12,91% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vitas cho biết thực tế từ kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm cho thấy nhu cầu về các mặt hàng sợi có cải thiện nhưng không đáng kể, lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao, thâm chí lên đến 1 tháng sản xuất.

 

Đối với ngành may, tình hình sản xuất khá ảm đạm do thiếu đơn hàng, thậm chí bị dừng đơn hàng. Thực trạng khách hàng hiện nay là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp giảm khoảng từ 20-50% so với năm 2022. Nhiều doanh nghiệp may thậm chí còn phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất.

 

Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ngành Dệt May Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời hoạt động cho vay gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao, ách tắc về giải ngân vốn và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này khiến cho ngành Dệt May và các ngành sản xuất khác khó có thể đạt được hiệu quả.

 

Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay, dự báo ngành sợi vẫn chưa thể hồi phục đến hết quý 2/2023, khả năng cầu thị trường sẽ có dấu hiệu ấm lên nhưng cầu thị trường vẫn còn rất thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao và giá bông đã xuống quá thấp nên giá sợi khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Đối với ngành may, tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp, vẫn sẽ kéo dài đến hết quý 3. Dự kiến, các đơn hàng may mặc sẽ giảm khoảng 25- 30% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Theo giới chuyên gia, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất sản phẩm dệt may của Việt Nam. Việc lạm phát tại Mỹ giảm xuống mức 3% sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ tích cực hơn và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ có thể bắt đầu nhập hàng tồn kho trở lại. Trong khi đó, việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể là “con dao hai lưỡi” với các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến việc xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

 

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp sản xuất sợi có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao sẽ tận dụng được lợi thế. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc được lưu thông trở lại có thể giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp may mặc.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp may mặc trong năm 2023. Hiện Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội Dệt May Mỹ (OTEXA), giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ năm 2022 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Với 25,65% thị phần, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ, theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.

 

Với các doanh nghiệp, áp lực cạnh tranh, biến động của thị trường… luôn là câu hỏi thường trực. Song đứng trước những biến động bất thường nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó và xem đây như một cơ hội với tinh thần trong “nguy” có “cơ”.

 

Trong quý 1/2023, trước tín hiệu xấu của thị trường, đơn hàng của May 10 cũng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này thì nhờ những giải pháp chủ động từ sớm nên mức độ sụt giảm đơn hàng của May 10 thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành.

 

Vượt qua hơn 2 năm đại dịch COVID-19, May 10 đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để thích ứng với thị trường và khách hàng, cũng như xây dựng giải pháp khắc phục sự gián đoạn của chuỗi cung ứng về nguyên phụ liệu.

 

Còn với bối cảnh hiện nay, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, giảm chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, để đứng vững, May 10 lại tập trung mạnh hơn cho công tác thương hiệu, trong đó tập trung vào việc định vị về sản phẩm, định vị về thị trường và định vị về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất để phù hợp trong việc giao nhận sản phẩm.

 

Kỳ vọng cao vào ngành dệt may

 

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.

 

 

Tận dụng tốt lợi thế, ngành dệt may sẽ “cất cánh” vào nửa cuối năm nay

 

Đối với ngành Dệt May, chiến lược đặt kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5 - 8,0%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 - 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 - 70 tỷ USD.

 

Nguyên liệu là vấn đề nan giải nhất của ngành Dệt May bấy lâu nay. Vì vậy, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dệt may phát triển, theo Chiến lược, ngành Dệt May phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%.

 

Để đạt mục tiêu này, cần thu hút đầu tư vào phát triển CNHT và các sản phẩm nguyên, phụ liệu ngành Dệt May trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

 

Cùng với đó, hướng các dự án CNHT, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may như các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu), đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình) và một số tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh.

 

Định hướng cũng xác định phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp dệt, nhuộm và CNHT. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may, để nâng cao hiệu quả sản xuất và tối đa hóa lợi ích thu được từ các hiệp định tự do thương mại. Đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng dệt kim, dệt thoi là những sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc.

 

Cũng trong giai đoạn này, ngành Dệt May cần xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành Dệt May lớn (bao gồm chuỗi sợi-dệt-nhuộm, hoàn tất vải), để sớm cải thiện và phát triển khâu yếu nhất của ngành Dệt May Việt Nam hiện nay.

 

Tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để lấp dần khoảng trống do phần cung thiếu hụt, chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng hàm lượng sáng tạo, ngành Dệt May Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng để vươn lên thứ hạng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang