Thứ Sáu, 22/11/2024 15:43:13 GMT+7
Lượt xem: 3801

Tin đăng lúc 21-04-2023

Ngành dệt may Việt Nam và bài toán sản xuất vải nội địa

Thuộc nhóm 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với chỉ số tăng trưởng bình quân 8% một năm, Việt Nam có hơn 10.000 doanh nghiệp trong ngành dệt may, tạo công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Dù vậy việc 70% doanh thu toàn ngành đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI đang khiến giá trị ngành chưa được như kỳ vọng.
Ngành dệt may Việt Nam và bài toán sản xuất vải nội địa
Sản xuất vải nội địa là bài toán không dễ giải của ngành dệt may Việt Nam

Có một nghịch lý tồn tại nhiều năm trong ngành dệt may đó là: Doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại thấp. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam chưa thật sự lựa chọn hoặc chưa tận dụng hết các phương thức sản xuất để xuất khẩu. Hiện nay, phương thức gia công (CMT), với 100% nguồn cung vải do đối tác cung cấp, vẫn là phương thức chủ lực của ngành may mặc, khi có đến 70% doanh nghiệp sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, CMT chỉ mang về 1 lần lợi nhuận.

 

Trong khi đó, phương thức OEM - tự cung cấp vải, có thể mang về lợi nhuận gấp 3, 4 lần nhưng chỉ gần 25% doanh nghiệp sử dụng và chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Còn hai phương thức ODM - cung cấp cả thiết kế và vải, và OBM - sản xuất thương hiệu gốc, có thể mang lại lợi nhuận cao từ 5 đến hơn 15 lần thì lại chưa được bất kỳ doanh nghiệp nào áp dụng.

 

Theo các chuyên gia, để ngành dệt may Việt Nam có thể khai phá tối đa tiềm năng của mình và nâng cao lợi nhuận, điều kiện tiên quyết là phải chuyển đổi từ phương thức CMT lên OEM, xa hơn nữa là ODM và OBM. Dù vậy, con đường đi là không hề dễ dàng, đầy chông gai và thử thách.

 

Nguồn vải đầu vào vẫn là vấn đề nan giải của ngành dệt may Việt Nam nhiều năm nay, khi có đến 60-70% nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu ngành hàng may mặc, khi lần lượt các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng được ký kết, đưa mức thuế suất giảm dần về 0%. Nhưng để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo từng FTA, chẳng hạn với CPTPP là quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", với EVFTA là "từ vải trở đi". Do vậy, nếu không tự sản xuất được nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ, ngành dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ các FTA và vẫn phải tiếp tục gia công với giá trị gia tăng thấp.

 

Bởi vậy, việc doanh nghiệp tự chủ được nguồn cung vải đang trở thành điều kiện tiên quyết nâng cao giá trị ngành. Năng lực sản xuất vải nội địa hiện chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%, nghĩa là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đến hơn 50% thị phần để tự sản xuất vải và “đánh chiếm” dần dần.

 

Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 29/12/2022 phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, cũng đặt mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đạt 51% - 55% nhu cầu cho giai đoạn 2021-2025 và 56% - 60% nhu cầu cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay, do những yêu cầu khắt khe về tính bền vững và môi trường, các khu công nghiệp chuyên biệt có đủ điều kiện để tiếp nhận đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi.

 

Để ngành dệt may tuần hoàn và phát triển bền vững, những viên gạch đầu tiên chính là xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt dệt nhuộm, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vị trí địa lý và tầm nhìn phát triển chuỗi cung ứng hoàn thiện. Hiện chỉ có 3 khu công nghiệp hội tụ đầy đủ điều kiện tham gia vào sản xuất sợi dệt, trong đó, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) do Tập đoàn Cát Tường đầu tư và phát triển, tọa lạc tại Nam Định, là một trong những khu công nghiệp “hạt nhân” tại miền Bắc, có đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng nguồn vải đầu vào cho toàn ngành dệt may Việt Nam.

 

Tọa lạc tại Nam Định, vị trí đắc địa gần cửa biển của cái nôi ngành dệt may Việt Nam, Aurora IP là một trong số ít những cái tên sáng giá đi đầu trong tầm nhìn phát triển chuỗi cung ứng dệt may tuần hoàn và bền vững. Năm 2019, đề án xây dựng Aurora IP chính thức đi vào vận hành, nằm trong khu kinh tế Ninh Cơ với tổng diện tích xây dựng khoảng 520ha. Được xây dựng theo mô hình khu công nghiệp đô thị sinh thái chuyên sâu về dệt nhuộm đầu tiên tại tỉnh Nam Định, Aurora IP được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ từ quy hoạch, thiết kế đến thi công, đáp ứng yêu cầu khắt khe của quy trình dệt nhuộm.

 

Với mục tiêu sản xuất 1 tỷ mét vải mỗi năm, góp phần giải quyết nguồn cung vải, Aurora IP xác định nguồn nước là điều kiện sống còn, đảm bảo vận hành cho chuỗi sản xuất sợi dệt. Vì vậy, khu công nghiệp này đặc biệt ưu tiên hệ thống cấp nước và tháng 1/2023 vừa qua, Aurora IP đã khánh thành công trình cấp nước CTe AQUA, tổng công suất cung cấp 170.000m3 nước/ngày đêm. Với mức công suất lớn, công trình cấp nước trạm bơm sẽ đảm bảo nhu cầu sản xuất cho toàn bộ khu công nghiệp Aurora IP và trở thành công trình trọng điểm của cả Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.

 

Theo lộ trình sắp tới, trong năm 2023 này, Aurora IP sẽ tiếp tục hoàn thiện các cấu phần quan trọng của khu công nghiệp, bao gồm nhà máy nước thải với công suất 110.000m3/ngày đêm, hệ thống tiếp nhận nước thải, nhà máy xử lý nước sạch, nồi hơi tập trung, trạm điện CTe-Energy, vườn cảnh quan phong cách Nhật Bản quy mô 6ha… Đây cũng là khu công nghiệp được đầu tư xây dựng 17km hệ thống kênh đào kết hợp với rừng ngập mặn bao quanh. 

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Cát Tường Group, chia sẻ: “Với công thức “1 bình + 9 thông”, Aurora IP đáp ứng mọi tiêu chí để sản xuất vải khi có cả một hệ sinh thái hoàn thiện”. Cụ thể bao gồm: hệ thống nước cấp, hệ thống xử lý nước thải, điện, viễn thông, giao thông kết nối, hạ tầng xã hội, kho vận, ưu đãi đầu tư và nhân lực (9 thông), tập trung trên một khu vực đất công nghiệp rộng lớn và được đầu tư bài bản, quy mô (1 bình). Khu công nghiệp Aurora IP cũng hội đủ các điều kiện cần thiết giúp chủ đầu tư phát triển bền vững như sự đồng thuận, ủng hộ và ưu đãi đầu tư từ chính quyền địa phương, người dân, người lao động, cộng đồng xã hội, môi trường, đối tác, nhà phát triển hạ tầng...

 

Được ví như tiên phong trong thu hút vốn FDI vào Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung, Aurora IP đã và đang minh chứng sức hấp dẫn của khu công nghiệp tiên phong trong mô hình sinh thái, tập trung vào phân khúc dệt nhuộm. Sứ mệnh của Aurora IP chính là góp phần đưa Nam Định trở thành trung tâm dệt may của cả Việt Nam và đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của cả ngành.  

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang