Công ty CP Nghiên cứu sản xuất và Phát triển sợi Eco (Ecosoi) là doanh nghiệp trẻ, chính thức được thành lập từ 3/2021. Ngay sau đó, Ecosoi đã nhanh chóng đi vào sản xuất sợi từ lá dứa (một trong những dòng sản phẩm phụ trợ dệt may xanh, bền vững) qua việc nghiên cứu thị trường, phát triển các dòng máy tách sợi và kết nối với các vùng nguyên liệu dứa trên toàn quốc. Đây là một trong những xu hướng đầu tư, sản xuất đúng hướng bởi đang được Nhà nước khuyến khích phát triển lĩnh vực phụ trợ và đáp ứng đúng nhu cầu sản phẩm phụ trợ bền vững của ngành Dệt May hiện nay.
Theo chia sẻ của Founder CEO Vũ Thị Liễu – Giám đốc Điều hành Ecosoi, hiện nay, các nông dân trồng dứa, trong quá trình thu hoạch sẽ phải bỏ đi một lượng lá dứa rất nhiều. Mỗi năm, có cả triệu tấn lá dứa bị bỏ đi.
Nắm bắt rõ thực trạng này, từ năm 2021 đến nay, Ecosoi đã phát triển các dòng máy tách sợi, đánh bông để tạo thành hàng tấn sợi dứa thô và sợi dứa đánh bông, nhằm đáp ứng, cung cấp nguyên phụ liệu chủ đạo cho các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước.
Nhờ đầu tư đúng hướng và nhiều yếu tố thời cơ thuận lợi, đến tháng 5/2022, doanh thu của Ecosoi đã đạt 700 triệu đồng. Thời điểm này, Ecosoi đã bắt đầu hoạt động theo mô hình chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã và doanh nghiệp có sẵn nguyên liệu, cơ sở vật chất. Đây là các đơn vị đã có sẵn nguồn lao động là người dân địa phương. Nhờ đó, Ecosoi nhanh chóng đáp ứng nhu cầu sản phẩm với công suất lớn và sản phẩm sợi của Ecosoi đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước quan tâm, nhất là thương hiệu Pinatex đã trở thành khách hàng lớn của Công ty. Đây là một trong những đơn vị sản xuất da từ sợi dứa lớn nhất trên thế giới. Qua đó, kết quả trong năm 2022, doanh thu của Ecosoi đã đạt gần 5 tỷ đồng. Hơn nữa, với sản phẩm phụ trợ dệt may “hấp dẫn”, đến nay, Ecosoi đã thu hút được nhiều khách hàng và đối tác lớn như: VITEX, LA PHẠM, LACOSTE, VTRI, KIBV, TOYOORIMONO,…
Một số sản phẩm phụ trợ Dệt May từ sợi lá dứa của Ecosoi
Dự kiến, trong năm 2023 này, lợi nhuận sẽ tăng lên thành 40 tỷ đồng, sang năm 2024 là 71,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sẽ vào khoảng 15% - một con số kết quả khá khả quan cho một đơn vị khởi nghiệp trẻ như Ecosoi. Đặc biệt, theo kế hoạch, cũng trong năm 2023, Ecosoi sẽ công bố các sản phẩm mới là cuộn sợi công nghiệp. Đây là sản phẩm thiết yếu được sản xuất để phục vụ cho ngành May mặc thời trang. Điều này cũng sẽ góp phần không nhỏ để Ecosoi có thể mạnh dạn bứt phá và từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực phụ trợ dệt may. Đây là điều hoàn toàn có thể, khi Ecosoi đang đi theo xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Đó là phát triển theo hướng xanh, sạch. Đây cũng là biểu hiện dễ thấy, đang khiến ngành Dệt May thế giới chuyển mình và doanh nghiệp dệt may Việt Nam như Ecosoi cũng không là ngoại lệ.
Anh Nguyễn Văn Hạnh - đồng sáng lập Công ty và là Giám đốc Sản xuất của Ecosoi khẳng định, vải sợi dứa và sợi lá dứa thô của Công ty cổ phần Nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco hiện đang là dòng sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bởi dòng sản phẩm phụ trợ này không những đẹp, lành tính, thấm hút mồ hôi tốt mà sợi dứa thô hay vải từ sợi dứa của Ecosoi còn được xếp vào dòng nguyên liệu bền vững, mở ra thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc phát triển sợi dứa vừa là giải pháp cho ngành May mặc bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao giá trị cây dứa, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân ở nông thôn… Với hướng đi cùng tiềm lực, thế mạnh sẵn có, Ecosoi hoàn toàn có thể nhanh chóng tiến xa hơn nữa, khi tận dụng tốt những chính sách, chủ trương khuyến khích của Nhà nước về phát triển lĩnh vực phụ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May nói riêng.
Cụ thể, ngày 29/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Cán bộ, công nhân Ecosoi tự hào với sản phẩm từ sợi lá dứa bền vững
Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển ngành Dệt May và Da Giầy - ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới.
Đến năm 2035, ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.
Một sản phẩm phụ trợ từ sợi lá dứa của Ecosoi
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương cũng cho biết, trong chiến lược phát triển của ngành Dệt May do Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì xây dựng, các cơ quan chức năng của Bộ rất chú ý và luôn tạo điều kiện cũng như đưa ra những định hướng giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu hụt nguyên phụ liệu của ngành hiện nay. Do đó, thời gian tới, một trong những chiến lược phát triển của ngành Dệt May là tiếp tục thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ Ngành; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước, nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành...
Với những chính sách khuyến khích thuận lợi như vậy, tin tưởng rằng, Ecosoi sẽ tận dụng hết thế mạnh của mình, đóng góp sức mình hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của ngành Dệt May năm 2023 và bay nhanh, tiến xa trong tương lai không xa…
Hưng Hà