Những điều đó đang là bước cản lớn cho hoạt động y tế của Lai Châu phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức.
Tuy nhiên nhận rõ những điều kiện khách quan đó, Đảng ủy và Ban Giám đốc ngành Y tế Lai Châu đã tìm nhiều giải pháp khoa học, hiệu quả và phù hợp với phong tục của mỗi vùng miền, làng bản để vận dụng một cách sáng tạo, mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng điều quan trọng nhất là phải nhận diện chính xác những khó khăn, trở ngại, từ đó mới có biện pháp đúng, trúng và sát hợp. Được sự quan tâm của tỉnh Lai Châu, Bộ Y tế và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, ngành Y tế Lai Châu đã từng bước khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vượt khó vươn lên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.
Trong năm qua, mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, phát triển rộng khắp đến tận y tế thôn, bản, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong tỉnh được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đến nay 108/108 trạm y tế (TYT) xã/phường/thị trấn có nhà trạm, 71,3% Trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc, trong đó có 15,7% TYT có bác sỹ biên chế tại trạm; 86,11% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 95,18% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Trang thiết bị máy móc về cơ bản đã đáp ứng được công tác khám chữa bệnh, khai thác sử dụng hiệu quả các TTB đã được đầu tư, đặc biệt các trang thiết bị lớn như máy chụp ARI, CT scanner, chạy thận nhân tạo, nội soi (Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện) hoặc các máy siêu âm, xét nghiệm huyết học, sinh hóa (tuyến xã).
Trong năm 2018 dự kiến mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho 5 huyện (Sìn Hồ, phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên) từ nguồn kinh phí Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở. Nguồn ngân sách của chương trình Hỗ trợ chính sách ngành y tế do EU viện trợ giai đoạn 2 năm 2018 dự kiến mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở y tế trong tỉnh trị giá 10 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng, hầu hết các đơn vị từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đều đã được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn. Các cơ sở xuống cấp cũng đã được sửa chữa, nâng cấp kịp thời đáp ứng cơ bản cho các hoạt động chuyên môn.
Triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết; Thông tư; Quyết định.. của Chính phủ, các Bộ, Ngành, tỉnh. Tiếp nhận hồ sơ và trả hồ sơ theo cơ chế một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hành nghề y dược, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành năm 2018; Chỉ đạo tăng cường đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB, thực hiện giá thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh BHYT theo thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC; Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Tập trung chỉ đạo công tác quản lý tài chính, tài sản trang thiết bị, tổ chức thanh lý, điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị trong ngành. Tổ chức đơn vị đấu thầu mua sắm tập trung theo quyết định của UBND tỉnh. Tiếp tục duy trì thực hiện cải cách hành chính, cải tiến hệ thống quản lý chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Củng cố kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức cán bộ; xây dựng đề án vị trí việc làm , đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ như quản lý hồ sơ cán bộ, quản lý tốt các đoàn đi nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào làm việc theo đúng quy định. Thực hiện quy trình để bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ Lãnh đạo của các Phòng chức năng và một số đơn vị trực thuộc Sở. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức thẩm định việc áp dụng thực hiện các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp.
Tuy đã đạt được một số kết quả trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngành Y tế Lai Châu đang gặp rất nhiều khó khăn cần được Trung ương quan tâm đặc biệt. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế về việc dừng điều trị nội trú BHYT tại các phòng khám đa khoa khu vực để chuyển đổi mô hình hoạt động của phòng khám đã ảnh hưởng nhiều đến công tác thu dung bệnh nhân khám, chữa bệnh tại các khòng khám đa khoa khu vực, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên và khó khăn cho người bệnh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng biên giới.
Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật còn hạn chế do thiếu cán bộ tiếp nhận, thiếu trang thiết bị y tế. Sử dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập và hạn chế: trình độ sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ y tế còn yếu, đặc biệt tuyến y tế cơ sở. Còn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu, bất động ngôn ngữ nên công tác tuyên truyền, tư vấn phòng chữa bệnh, chữa bệnh hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, đặc biệt về công tác dân số - KHHGĐ và Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình hình tài chính: Ngân sách đảm bảo chi giảm mạnh so với định mức đã gây khó khăn cho toàn ngành; các dự án viện trợ của nước ngoài đến nay đã hết giai đoạn đầu tư và đóng cơ bản hết (do Việt Nam không còn là nước chậm phát triển).
Về nhân lực: thiếu bác sỹ và bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở nên chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại học, sau đại học chuyên ngành Y về làm việc tại tỉnh được UBND tỉnh ban hành, song nhiều năm nay không thu hút được bác sỹ. Mặt khác do cơ chế tuyển dụng hiện nay rất khó cho việc tuyển dụng, trong khi đó số bác sỹ bỏ việc ngày càng gia tăng do tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ và thu nhập thấp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, việc cử viên chức đi đào tạo đại học liên thông tỷ lệ đỗ thấp.
Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế: còn gặp nhiều khó khăn do các xã không khắc phục được một số tiêu chí mang tính cộng đồng quyết định như: ở các tiêu chí 6, tiêu chí 8, tiêu chí 9 (về môi trường, về dân số ...), thiếu bác sỹ làm việc tại trạm y tế như huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ... Công tác truyền thông: tuyên truyền đến vùng khó khăn còn hạn chế, đặc biệt việc truyền thông trực tiếp tại công đồng và vận động nhân dân chưa được phối hợp tốt , hiệu quả chưa cao (Chương trình Dân số – KHHGĐ, Vệ sinh môi trường); một số nơi chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt.
Đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại, ngành Y tế Lai Châu đang rất mong được sự quan tâm thường xuyên, tích cực, hiệu quả của Bộ Y tế, các Bộ ngành của Trung ương và địa phương, hỗ trợ bằng nhiều giải pháp giúp ngành y tế hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên vùng biên cương, phên giậu quốc gia đang có nhiều gian khó, thiếu thốn và thách thức này.
Xuân Trường