Kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 39 tỷ đồng
Giai đoạn 2016-2020, kinh phí hoạt động khuyến công đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn gần 39 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện trích hỗ trợ 2,250 tỷ đồng, chiếm 5,77%; tỉnh hỗ trợ 417 đề án với tổng kinh phí 22 tỷ đồng, chiếm 56,42%; nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ 35 đề án, kinh phí 14,745 tỷ đồng, chiếm 37,81%. So với giai đoạn 2011-2015, nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh tăng 11,21%, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tăng 70,67%.
Từ nguồn vốn khuyến công đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật; mua sắm thiết bị, công cụ sản xuất cho làng nghề, làng có nghề. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cơ sở sản xuất đang sử dụng hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Giai đoạn 2016-2020, từ kinh phí khuyến công, địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Nghệ An với các tỉnh, thành phố trong khu vực; tìm kiếm, giới thiệu các sản phẩm của địa phương với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối trên toàn quốc...
Nâng cao hiệu quả giai đoạn 2021-2025
Tại hội nghị, Sở Công Thương đã đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các hoạt động khuyến công, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020; thảo luận, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để khắc phục, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động khuyến công, thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng vùng, miền; gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ bền vững, tạo cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức và doanh nghiệp.
Cụ thể, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, sản xuất sạch hơn và kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021-2025, đại diện UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Sở Công Thương địa phương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình khuyến công, Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để tiếp tục thực hiện. Rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản về khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chú trọng công tác nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thực thi nhiệm vụ về khuyến công, sản xuất sạch hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tiếp tục các hoạt động kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Ngọc Hoa đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động khuyến công, sản xuất sạch hơn và kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm tại địa phương giai đoạn 2016-2020. |
Theo Congthuong