Thứ Ba, 15/04/2025 17:15:33 GMT+7
Lượt xem: 681

Tin đăng lúc 12-04-2025

Những nét đẹp riêng có tại Lễ hội diều làng Bá Dương Nội năm 2025

Chiều ngày 12/4/2025, UBND huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”. Lễ hội diễn ra trang trọng, đặc sắc với không khí phấn khởi, nô nức của nhân dân địa phương và du khách. Trong đó, nhiều du khách vô cùng ấn tượng với “nghệ nhân nhí” Phạm Văn Khoa.
Những nét đẹp riêng có tại Lễ hội diều làng Bá Dương Nội năm 2025
Màn diễn xướng nghi lễ Chầu văn khai mạc Lễ hội diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng

 

Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể và nghề truyền thống Hà Nội được bày trang trọng bên trong Đình làng Bá Dương Nội để kính cáo Đức Thành hoàng làng

 

Theo các cụ cao niên trong làng, thú chơi diều, làm diều và Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội diễn ra vào rằm tháng Ba hàng năm gắn liền với tích ông Nguyễn Cả, một vị tướng giỏi thời nhà Đinh. Tương truyền, tướng Nguyễn Cả sau khi cùng vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân đã về quê dạy người dân trồng trọt, mở mang cơ nghiệp. Những ngày tháng hưởng cuộc sống điền viên, ông đã bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò vui, trong đó có trò chơi thả diều. Sau khi ông mất, người dân lập miếu thờ và mở hội thi diều hàng năm để tưởng nhớ công ơn của vị tướng.

 

 

 

Nhân dân làng Bá Dương Nội dâng lễ kính tưởng công đức của Thành hoàng làng và nô nức trẩy hội

 

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiệm cho biết: Làm một con diều phải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn tre để làm khung diều (“xương” diều). Tuy nhiên, không phải giống tre nào cũng làm được, mà buộc phải chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Thời điểm chặt tre cũng rất quan trọng, tre phải chặt vào mùa đông, phơi khô, rồi gác trên gác bếp cho đanh lại, tiếp đó chẻ ra và định hình khung diều. Sở dĩ phải kỳ công chọn tre là bởi loại tre nhỏ và đặc này mới cho diều có được bộ khung cứng, dẻo, bền mà không nặng. Giấy làm diều xưa thường là giấy dó. Chất kết dính là nhựa quả cây cậy. Loại quả này đem giã nhỏ, hòa với nước, chắt bỏ bã, mang loại nước sền sệt như nước vo gạo đem phết lên giấy bản khi khô, giấy chuyển sang màu nâu, cứng chắc và không thấm nước. Tiếp theo đó, để diều có thể bay cao, bay xa trên bầu trời, việc làm dây diều cũng là cả một nghệ thuật. Xưa kia dây diều thường được tuốt từ tre. Cứ vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân làng Bá tìm những cây tre non thân vẫn còn bám lớp phấn trắng, tre đó đem chẻ thành sợi mỏng rồi cho vào luộc với muối có bỏ lẫn cả hạt quả thầu dầu. Cứ thế mà đun chừng 6-8 tiếng thì vớt ra, nối lại với nhau. Loại dây diều này dẻo và dai. Khi gặp gió dây căng và nhẹ.

 

 

Dàn diều sáo tham dự cuộc thi diều sáo làng Bá Dương Nội năm 2025

 

Anh Nguyễn Văn Quyết – Chủ nhiệm CLB Diều sáo truyền thống phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng khi nhà nước công nhận Hội diều làng Bá Dương Nội là Di sản Văn hóa phi vật thể và Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội được công nhận nghề truyền thống Hà Nội. Chúng tôi tin tưởng rằng từ đây, với sự quan tâm của nhà nước, thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương, các nghệ nhân, người làm nghề diều sáo làng Bá Dương Nội sẽ có thêm cơ hội phát triển sản phẩm để bán ra thị trường, đưa nghề làm diều sáo trở thành nghề chính mang lại thu nhập cho người dân địa phương.

 

 

Anh Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch CLB Diều sáo truyền thống

 

Thời gian qua, Câu lạc bộ diều sáo truyền thống của địa phương đã tập hợp các an hem có tay nghề, có mong muốn phát triển nghề làm diều sáo, mở mang cơ hội quảng bá sản phẩm diều sáo tại các triển lãm sản phẩm làng nghề, tham gia các hội thi diều trong nước, đồng thời truyền dạy lại các kỹ năng, kỹ thuật làm diều cho thế hệ trẻ.

 

 

Các nghệ nhân trẻ của CLB diều sáo truyền thống trình diễn làm diều sáo truyền thống

 

Diều của làng Bá Dương Nội là diều truyền thống, mộc mạc, được làm thủ công 100%. Diều làng Bá Dương Nội khác với các làng khác là không có đuôi, đơn giản nhưng bay cao, tiếng sáo rất hay. Chúng tôi cũng đã và đang cải tiến để làm cho cánh diều đẹp hơn như vẽ các họa tiết tranh lên cánh diều như: Các con vật trong tranh Đông Hồ, hình ảnh vinh quy bái tổ, cờ tổ quốc,…

 

 

Em Phạm Văn Khoa là nghệ nhân nhí của làng diều Bá Dương Nội, biết chơi diều và làm diều truyền thống từ khi 5 tuổi. Em được thừa hưởng nghề làm diều từ ông và bác trong gia đình

 

Trong Câu lạc bộ diều sáo truyền thống có “nghệ nhân nhí” Phạm Văn Khoa. Năm nay mới 10 tuổi nhưng đã có kỹ thuật làm diều điêu luyện. Khoa cho biết, em biết chơi diều và tập làm diều từ năm 5 tuổi. Đến nay, em đã có thể làm thành thục những chiếc diều có khổ cánh từ 1m - 1,2m.

 

 

Nhiều người ấn tượng với em nhỏ Phạm Văn Khoa. Em cho biết, đã làm diều để bán. Có con diều bán được vài trăm nghìn

 

Năm nay, Hội diều làng Bá Dương Nội thu hút 72 con diều dự thi. Theo thể lệ truyền thống, những con diều đủ điều kiện thi có chiều dài tối thiểu 2,2m, rộng tối thiểu 0,6m, có đủ 3 sáo (đường kính sáo phải từ 2,5cm trở lên), cánh diều không được dán bằng giấy bóng trắng… được thả trên cánh đồng làng. Những con diều có sáo hay nhất, lên cao nhất và đứng im nhất... là con diều chiến thắng.

 

 

Em Phạm Văn Điệp và nhóm của mình đã vẽ những hình ảnh của tranh Đông Hồ, tranh Vinh quy bái tổ, họa tiết trống đồng lên những cánh diều, làm cho những cánh diều đẹp hơn, bắt mắt hơn

 

Em Phạm Văn Điệp, xã Hồng Hà chia sẻ: Năm nay là năm thứ 10 em tham gia Lễ hội thi diều. Năm 2024 đội em được giải nhất. Con diều của đội em bay hết dây khoảng gần 2.000m. Diều bay ổn định, tiếng sáo hay. Năm nay, Lễ hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, chúng em cảm thấy rất vui và tự hào. Hy vọng năm nay đội chúng em sẽ tiếp tục đạt giải cao.

 

 

 

Lễ hội diều làng Bá Dương Nội thu hút nhân dân địa phương và du khách nhiều nơi đến thăm quan, check in

 

 

Nhiều du khách quốc tế đến thăm quan và tỏ ra rất thích thú với những con diều sáo

 

 

 

 

 

Tại Lễ hội, Ban tổ chức đã sắp xếp nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sinh vật cảnh. Những gian hàng này đã thu hút được nhiều du khách thăm quan và mua sắm

 

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” cho huyện Đan Phượng, xã Hồng Hà và nhân dân làng Bá Dương Nội

 

 

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội cho chính quyền và nhân dân địa phương

 

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định: Đón nhận danh hiệu là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng, đặc biệt là nhân dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch không gian văn hóa, không gian thực hành, trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam và nghề truyền thống Hà Nội, hướng tới quy hoạch làng Bá Dương Nội trở thành một trong những “không gian văn hóa sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Xây dựng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” trở thành di sản văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; nghề làm diều sáo truyền thống Hà Nội có sức sống trường tồn, mãnh liệt, không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, mà đến cả các hộ gia đình ở các vùng lân cận.

 

Minh Ngọc

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang