Đây là “mơ ước” hoàn toàn có thể, khi chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã lọt vào tốp 6 các tỉnh có chỉ số thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước, trong đó vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, thiết bị thông minh chiếm đến trên 50%.
Đầu tiên, cái tên mới nhất gần đây đặt chân tại xứ Nghệ không thể không nhắc đến là Tập đoàn Sunny (Trung Quốc). Đó là vào ngày 20/9/2023 vừa qua, tại Khu Công nghiệp (KCN) WHA Industrial Zone 1, UBND tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đầu tư trị giá 150 triệu USD cho Tập đoàn Sunny với dự án đầu tư cơ sở CNHT mới: Sunny Automotive quang học Vina. Đây là Dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun camera, màn hình đèn xe thông minh, chiếu sáng thông minh, mô đun chiếu và gia công khuôn, thiết bị lắp ráp và kiểm tra quang điện, thấu kính thủy tinh, thấu kính nhựa... Dự án có diện tích mặt bằng sản xuất là 42,8ha tại KCN WHA Industrial Zone 1. Công suất thiết kế của Dự án với sản lượng camera ô tô khoảng 60 triệu sản phẩm/năm; sản phẩm khác là 5 triệu sản phẩm/năm; cho thuê văn phòng, nhà xưởng khoảng 370.000 m2. Dự kiến đến quý IV/2025, Dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động chính thức, sử dụng khoảng 20.000 lao động.
Thứ hai, thương hiệu phụ trợ điện tử tên tuổi nữa, mới được thiết lập tại xứ Nghệ, có thể kể đến là Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam. Đây là một đơn vị thành viên mới và cũng là Dự án mới do Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 8/2023 vừa qua tại KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An. Dự án có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, dự kiến sử dụng 1.500 lao động, diện tích sử dụng khoảng gần 11,78ha. Ngay sau khi được cấp phép đầu tư, Dự án đã đi vào xây dựng. Dự kiến đến tháng 10/2024, Dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động với việc sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh; sản xuất các sản phẩm đúc sơ chế và sản phẩm đúc các loại từ hợp kim nhôm cho phụ trợ ngành sản xuất sản phẩm điện tử; rèn, dập, ép và cán kim loại; sản xuất các chi tiết phụ trợ nhôm gia công nâng cao cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử với công suất 100.000 tấn/năm…
Thứ ba, một thương hiệu Điện tử “đình đàm” nữa của Trung Quốc cũng đã đặt chân đến Nghệ An mới đây, đó là Tập đoàn Runergy. Thông qua một đơn vị thành viên tại Thái Lan, Tập đoàn này đã quyết định đầu tư lớn Dự án phụ trợ điện tử - công nghệ cao tại xứ Nghệ. Theo đó, Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV - Việt Nam (thuộc Tập đoàn Runergy) đã nhanh chóng được thành lập để thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất thanh Silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại KCN Hoàng Mai I. Dự án đã được Ban Quản lý KKT Đông Nam (Nghệ An) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22/6/2023 với quy mô sử dụng đất là 28,6ha, tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu là 293 triệu USD. Nhà máy sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn tại Nghệ An có công suất thiết kế 14.635 tấn thanh silic/năm, 995 triệu tấm đĩa bán dẫn 182 mm/năm; sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm: Thanh silic, đĩa bán dẫn và hoạt động cho thuê nhà xưởng. Theo Giấy phép đầu tư, thời gian hoạt động của Dự án đến ngày 26/2/2071. Trong đó, dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành các thủ tục để được bàn giao mặt bằng; triển khai xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023; tháng 11/2023 sẽ sản xuất thử và sản xuất chính thức giai đoạn đầu của Dự án; tháng 6/2025 đưa toàn bộ Dự án vào hoạt động.
Sản xuất thiết bị phụ trợ Điện tử của LuxsShare ICT Nghệ An góp phần mang lại luồng sinh khí mới cho CNHT xứ Nghệ
Cùng với ba thương hiệu lớn về phụ trợ điện tử - công nghệ cao mới được cấp phép trong 9 tháng đầu năm 2023 nói trên, thì cũng không thể không nói đến những tên tuổi lớn khác nữa đã thiết lập các đơn vị thành viên tại xứ Nghệ trong thời gian gần đây. Đó là: Luxshare-ICT (Trung Quốc); Goertek (Trung Quốc); Everwin Precision (Hong Kong); Foxconn Singapore - đối tác hàng đầu của Apple; Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan)… Các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này đã lần lượt đầu tư vào Nghệ An năm 2022 khi nhận thấy điều kiện về cơ sở hạ tầng nơi đây khá tốt và môi trường đầu tư thông thoáng. Bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư từ 100 đến 200 triệu USD trong giai đoạn I và khi mở rộng giai đoạn 2 có thể lên tới 500 triệu USD. Tất cả các Dự án của các Tập đoàn, thương hiệu thiết bị điện tử lớn này sẽ lần lượt chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 cho đến năm 2025, sau khi hoàn tất xây dựng và chạy thử nghiệm…
Qua sự hợp tác đầu tư của các thương hiệu lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng trân trọng cảm ơn các Tập đoàn đã tin tưởng và lựa chọn tỉnh Nghệ An là địa phương đầu tiên để thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư sang thị trường Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự tin tưởng, khi các dự án chính thức đi vào hoạt động, cùng với các dự án của sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh của Tập đoàn Luxshare – ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, các thương hiệu phụ trợ điện tử sẽ hoàn thiện chuỗi cung ứng cho các dự án sản xuất điện tử, năng lượng xanh tại tỉnh Nghệ An và trong khu vực. Đây cũng là động lực để Nghệ An tiếp tục thu hút các dự án điện tử cũng như các dự án công nghệ cao khác sử dụng hợp kim nhôm làm nguyên liệu, cùng với các doanh nghiệp địa phương hình thành chuỗi cung ứng tuần hoàn, khép kín cho lĩnh vực điện tử và năng lượng xanh.
Cũng chính từ những dự án trên, các thương hiệu phụ trợ điện tử mới đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho ngành CNHT Nghệ An và sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân và doanh nghiệp; tạo tiền đề phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững cho xứ Nghệ trong xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0… ./.
Hà Đăng