Thứ Sáu, 22/11/2024 15:31:54 GMT+7
Lượt xem: 1680

Tin đăng lúc 12-08-2020

Nông dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có thêm nhiều việc làm mới

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn tại Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.
Nông dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có thêm nhiều việc làm mới
Ông Hà Văn Hải – GĐ TTKC kiểm tra lớp học thực hành may công nghiệp

Theo ông Hà Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình (TTKC Thái Bình) cho biết: Nhằm khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh Thái Bình nhằm phát huy các thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn của tỉnh, những năm gần đây, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương – TTKC Thái Bình thực hiện các Chương trình, Đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư thiết bị, máy móc phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.  

 

Để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này, TTKC Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tổ chức, triển khai nhiều Chương trình hỗ trợ người lao động như mở lớp đào tạo nghề cơ khí; tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp; lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng; mở lớp máy may công nghiệp…, đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn, nhận thức, giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tuyển dụng lao động không cần phải qua đào tạo.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Xã Quỳnh Xá là một xã nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, hàng năm số lượng lớn lao động chính trên địa bàn xã phải tìm kiếm việc làm tại nhiều địa phương khác, ở lại địa phương chủ yếu là phụ nữ, người già và các cháu nhỏ. Trong thời gian qua, nhờ chính sách ưu đãi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nhà máy tại huyện Quỳnh Phụ, nhằm thu hút một lực lượng lớn nhân sự trong độ tuổi lao động. Được sự quan tâm của các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình, Sở Công Thương - TTKC tỉnh Thái Bình đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho địa phương như: Tổ chức lớp tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp; lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng... Đặc biệt, năm 2019 – 2020, TTKC tỉnh đã mở lớp đào tạo nghề may tại xã Quỳnh Xá, thu hút được khá đông lao động nông thôn tham gia, đây là việc làm rất cần thiết và hiệu quả, giúp cho người dân quê tôi có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn”.

 

 

Giờ học lý thuyết của học viên lớp học may tại xã Quỳnh Xá

 

Theo bà Mai Thị Hiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Xá cho biết: năm 2019, TTKC Thái Bình đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức mở 02 lớp may công nghiệp miễn phí tại địa phương cho các đối tượng nam, nữ tuổi từ 15 đến 45, thời gian đào tạo là 03 tháng, sau khóa học các học viên phải thi kiểm tra và được TTKC cấp chứng chỉ. Đến nay, các học viên đã tìm được việc làm tại các công ty may trên địa bàn như: Công ty may Đức Giang, Công ty MXP, Công ty TNHH INNOFLOW VINA… với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, nên người dân rất phấn khởi và mong muốn, TTKC tiếp tục mở lớp đào tạo máy may công nghiệp tại địa phương, để người dân được đăng ký tham gia học tập có tay nghề, được cấp chứng chỉ, tạo cơ hội xin việc làm, có thu nhập, góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

 

Chị Lê Thị Dung – thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá chia sẻ: Năm 2019, qua thông báo trên đài truyền thanh của xã về việc địa phương phối hợp với TTKC tỉnh Thái Bình tổ chức lớp học cắt may trên máy may công nghiệp tai địa phương, sau đó chị được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn làm thủ tục đăng ký nhập học và được tham gia học lớp may công nghiệp, sau 03 tháng hoàn thành khóa học, chị được TTKC cấp Chứng chỉ học nghề. Ngay sau đó chị được Công ty TNHH INNOFLOW VINA trong cụm công nghiệp Đô Lương – doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi thú gấu bông và các con vật… để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Nhờ có kiến thức được học, chị đã đáp ứng được yêu cầu từ phía tuyển dụng, với công việc cụ thể là chuyên may quần, áo cho các con vật đồ chơi bằng máy may công nghiệp, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ theo Luật Lao động. Với nguồn thu nhập trên, chị đã cơ bản đủ trang trải, chăm sóc cho cuộc sống gia đình tốt hơn so với làm nông nghiệp và lao động tự do trước đây.

 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TTKC tỉnh Thái Bình đang tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

 

Thu Hằng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang