Đây là thông tin vừa được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết. Theo đó, điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam ngày càng tăng trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đánh giá ngành lâm nghiệp đã đi được nửa chặng đường khó khăn và đạt được những kết quả khả quan. Dự kiến, 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu lâm sản khi các doanh nghiệp đã có sẵn các đơn hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2019 sẽ đạt con số 11 tỷ USD.
Theo ông Trị, đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. Bên cạnh việc xuất khẩu đến 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ và lâm sản đang quay lại thị trường nội địa, tạo khởi sắc, mang lại động lực cho sản xuất phát triển, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp.
6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã trồng được 108.456 ha rừng, bằng 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con. Khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc ước khoảng 105 nghìn ha, sản lượng ước đạt 9,7 triệu m3, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018.
"Nguồn nguyên liệu trong nước đang tiếp tục được nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu", ông Trị cho biết.
Cùng với đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019 là dấu mốc khởi đầu cho việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Đến nay, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386 ha.
Theo thoibaokinhdoanh.vn