Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, PC Lạng Sơn luôn nỗ lực đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về điện để phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tại một số thời điểm và đặc biệt vào mùa nắng nóng, hệ thống điện, cũng như một số tuyến đường dây, trạm biến áp vẫn thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy tải, có lúc quá tải đã gây ra nhiều tiềm ẩn, nguy cơ sự cố. Đặc biệt, lưới điện đi qua địa bàn một số huyện còn rất phức tạp do tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA), mặc dù các cấp chính quyền địa phương và ngành Điện đã phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến người dân Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm chủ yếu là do sự hiểu biết của người dân ở nhiều khu vực còn hạn chế. Nhiều năm qua, mặc dù ngành Điện và các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng nhiều người dân vẫn chưa thấy hết được những thiệt hại, nguy hiểm xảy ra khi vi phạm khoảng cách an toàn. Cụ thể, tại một số nơi vẫn xảy ra tình trạng người dân trèo lên cột điện, vào trạm điện, hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng hạ tầng công trình lưới điện cao áp (hệ thống cột điện) vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp; thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo không đúng quy định; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây; đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện; đắp đất, san nền, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán…
Trước tình hình vi phạm hành lang lưới điện ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian qua, PC Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố. Theo đó, Công ty đã yêu cầu các Điện lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền sâu rộng tới người dân về sự nguy hiểm và các nguy cơ tiềm ẩn khi đốt rừng, nương rẫy, hoặc thi công công trình gần hành lang an toàn tuyến đường dây cao áp. Ngoài ra, PC Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp, cũng như lắp đặt biển báo tuyên truyền tại hàng trăm điểm, khu vực có nhiều người tập trung như: Trường học, bệnh viện, chợ, khu công cộng…; tổ chức các đợt cổ động, diễu hành bằng xe, phát loa tuyên truyền để người dân không vi phạm hành lang an toàn tuyến; phát hơn 6.000 tờ rơi tới tận tay người dân để tuyên truyền về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp.
PC Lạng Sơn đã phát hơn 6.000 tờ rơi tới tận tay người dân để tuyên truyền về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp
Bên cạnh đó, Công ty đã ký kết được hơn 1.962 bản cam kết về công tác phòng chống cháy rừng với các chủ rừng có đường dây đi qua. Đồng thời, khi chủ rừng có kế hoạch chặt tỉa, khai thác rừng… phải kịp thời thông báo cho ngành Điện địa phương để xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn đường dây. Mặt khác, PC Lạng Sơn cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn, Báo Lạng Sơn tổ chức thực hiện các phóng sự tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, cũng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin loa đài của thôn, xã, thị trấn các địa phương. Đặc biệt, đầu tháng 3/2020, Ban Giám đốc PC Lạng Sơn đã làm việc trực tiếp với Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố về một số hoạt động điện lực trên địa bàn và đề xuất các giải pháp phối hợp thực hiện, trong đó đặc biệt là công tác giải phóng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp…
Mặc dù, PC Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình, hành lang lưới điện cao áp… nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn chưa được như kỳ vọng của Đơn vị. Tính từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh vẫn xảy ra 19 vụ sự cố lưới điện cao áp do người dân trên địa bàn các huyện: Đình Lập, Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Lãng và Thành phố Lạng Sơn chặt cây đổ vào đường dây gây mất điện trên diện rộng. Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước về xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực…, PC Lạng Sơn đã chỉ đạo các Điện lực phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt hành chính đối với các tập thể, cá nhân gây ra sự cố lưới điện.
Khi sự cố lưới điện cao áp xảy ra sẽ gây mất điện trên diện rộng, làm thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội của địa phương
Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp là nhiệm vụ quan trọng, bởi nếu xảy ra sự cố đường dây thì sẽ gây mất điện trên diện rộng, làm thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, PC Lạng Sơn cũng sẽ nâng cao hơn nữa sự phối hợp với các địa phương nhằm giúp người dân nắm rõ và tuân thủ pháp luật an toàn lưới điện. Cụ thể, sẽ phát tờ rơi, tặng sách/vở có in hình cảnh báo vi phạm an toàn lưới điện cao áp... Đặc biệt, Công ty xử lý nghiêm và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm; tổ chức ký cam kết phòng cháy chữa cháy với tất cả các chủ rừng, hộ dân có nương rẫy nằm dọc hành lang đường dây cao áp đi qua.
Thu Huyền