Tại tỉnh Yên Bái, mặc dù là xã vùng cao với 98% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, song nhận thấy lợi ích từ việc chuyển đổi số và thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt mang lại, nhiều hộ gia đình ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã trang bị điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng tiện ích phục vụ đời sống. Hiện nay đã có 483/805 hộ đã sử dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn xã Suối Giàng. Sau một thời gian áp dụng hình thức thanh toán này, các hộ gia đình đã cảm nhận được sự tiện lợi khi không cần phải ghi nhớ ngày thanh toán và tiết kiệm thời gian di chuyển để nộp tiền điện hàng tháng.
Qua thống kê cho thấy, PC Yên Bái hiện đang quản lý và bán điện cho trên 260.000 khách hàng sử dụng điện, trong đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chiếm 89,57%. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, Công ty đã chủ động đa dạng hóa phương thức thanh toán bằng cách ký hợp đồng thu hộ tiền điện với 05 ngân hàng và 09 tổ chức trung gian, đồng thời tiếp nhận yêu cầu khách hàng thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, website/app chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Công nhân Điện lực thành phố Yên Bái khẩn trương thay thế công tơ điện tử đo xa sau đợt lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn
Khách hàng có thể thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ của ngân hàng bằng nhiều hình thức như: Chuyển khoản, ủy nhiệm chi qua tài khoản tại ngân hàng, thanh toán qua thẻ ATM, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử. Việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian giúp khách hàng thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác, tránh tình trạng bị cắt điện do quên thanh toán. Ngoài ra, khách hàng còn có thể lưu lại thông tin giao dịch, dễ dàng theo dõi và thống kê điện năng tiêu thụ hàng tháng, từ đó giúp họ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn.
Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền được đánh già là mang lại nhiều lợi ích cho ngành Điện và chính quyền địa phương. Bởi thông qua việc áp dụng chuyển đổi số, ngành Điện có thể tăng cường tính hiệu quả và minh bạch trong việc thu thập, cũng như quản lý dữ liệu khách hàng. Qua việc thu thập thông tin từ các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Điện có thể phân tích và đánh giá mô hình tiêu thụ điện của khách hàng, từ đó đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng và khuyến khích sử dụng điện hiệu quả hơn.
Điện lực Trấn Yên (PC Yên Bái) tích cực tuyên truyền việc đảm bảo an toàn sử dụng điện sau ngập úng
Mặt khác, đối với chính quyền địa phương, việc thu thập dữ liệu từ các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt giúp cải thiện quản lý và dự báo nhu cầu sử dụng điện. Thông qua việc nắm bắt thông tin về mô hình tiêu thụ điện của cộng đồng, chính quyền có thể phát triển các chính sách, kế hoạch và dự án điện phù hợp với nhu cầu thực tế, từ đó đảm bảo nguồn điện ổn định và phát triển bền vững cho cộng đồng.
Tính đến 31/7/2024, số khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt toàn Công ty là 211.706/266.797 khách hàng, đạt tỷ lệ 79,35%, trong đó: Điện lực thành phố là 100/100%; Điện lực Trấn Yên là 77,6/87,0%; Điện lực Lục Yên là 74,65/88,0%; Điện lực Yên Bình là 89,12/88,0%; Điện lực Nghĩa Lộ là 71,44/87,0% và Điện lực Văn Yên là 70,83/85,0%. Tỷ lệ tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong tháng 7/2024 đạt 93,89%. Trong đó, thanh toán qua trích nợ tự động: 31.042 khách hàng chiếm 14,66%; Qua Ví điện tử, các hình thức khác 180.664 khách hàng chiếm 85,34%.
Ngọc Hà