Thứ Sáu, 22/11/2024 21:57:28 GMT+7
Lượt xem: 3366

Tin đăng lúc 19-03-2016

Phát triển ngành công nghiệp: Dựa trên tiềm năng và thế mạnh

Phát triển ngành công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Gia Lai. Ngoài việc gắn liền với sự phát triển của các ngành theo hướng đa dạng hóa, sản xuất công nghiệp tỉnh ta đang từng bước hình thành một số ngành mũi nhọn dựa trên tiềm năng và thế mạnh của tỉnh với tốc độ phát triển nhanh và bền vững…
Phát triển ngành công nghiệp: Dựa trên tiềm năng và thế mạnh

Sức bật từ sau đổi mới

Từ sau ngày giải phóng đến nay, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, ngành Công nghiệp (CN) tỉnh Gia Lai đã có sự phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 1976, giá trị sản xuất CN toàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum mới đạt 10,1 tỷ đồng thì đến năm 1991 con số này của tỉnh Gia Lai đã đạt 35,6 tỷ đồng và năm 1995 là 61 tỷ đồng.

 

Phải đến giai đoạn 2006-2010, hoạt động sản xuất CN của tỉnh mới thật sự có nhiều chuyển biến rõ nét với tốc độ tăng trưởng bình quân 28%, tổng giá trị sản xuất đạt 15.945 tỷ đồng. Nhờ biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu nông sản lớn, tạo điều kiện cho sản xuất CN tập trung, người dân có thu nhập cao và ổn định; đồng thời, hình thành các nhà máy chế biến sản phẩm cao su, cà phê, hồ tiêu, gỗ tinh chế, tinh bột mì, đường… có công suất lớn.

Thành tựu trên lĩnh vực CN đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Từ một nền kinh tế với tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm đến 70%, đến nay Gia Lai đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực CN và dịch vụ. Sản xuất CN phát triển nhanh với nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy được đầu tư xây dựng như thủy điện, vật liệu xây dựng, CN khai thác khoáng sản, chế biến nông-lâm sản, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường xuất khẩu… Nhờ khai thác tốt tiềm năng về phát triển cây CN, Gia Lai đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với 110.000 ha cao su, 80.000 ha cà phê, 13.000 ha tiêu, 38.000 ha mía, 17.000 ha điều… phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn, đóng góp đến hơn 60% vào giá trị sản xuất ngành CN. Bên cạnh CN chế biến thì CN sản xuất điện năng cũng là ưu thế khi tỷ trọng đạt 38%, hàng năm đóng góp rất lớn vào sản lượng điện quốc gia.

Đòn bẩy để thúc đẩy CN phát triển nhanh là từ lúc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được nâng cấp, xây dựng, cộng với việc tạo ra môi trường thu hút các nguồn lực đầu tư cho địa phương. Bên cạnh đó là việc thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển sản xuất CN; chú trọng công tác khuyến công, kêu gọi đầu tư vào những ngành CN có công nghệ hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, từ chỗ sản xuất CN manh mún, không tập trung, đến nay đã hình thành một số khu-cụm CN với quy mô vừa và nhỏ, làm cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Phát triển ngành công nghiệp chủ lực

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành CN phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm. Giá trị sản xuất CN (theo giá so sánh 2010) dự kiến năm 2016 đạt 16.657 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 22.460 tỷ đồng.
 

 

Đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh đạt 9.437 tỷ đồng, gấp 2,05 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,45%/năm. Một số sản phẩm tăng mạnh như: sản lượng điện tăng 2 lần, đường tinh chế tăng 3,8 lần, tinh bột mì tăng 4 lần, đá granite tăng 2,4 lần, gạch nung tăng 1,6 lần, sản phẩm cơ khí các loại tăng 1,7 lần so với năm 2010…

 

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đang tiếp tục có những chính sách hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu-cụm CN; đẩy mạnh liên kết vùng và các khu vực nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh cũng vừa ký quyết định thành lập các cụm CN và tiểu thủ CN ở TP. Pleiku (diện tích 40 ha), Chư Pah (53,91 ha), Chư Sê (51,5 ha), Mang Yang (15 ha) với các ngành CN chủ yếu là chế biến nông-lâm sản xuất khẩu, mật ong, thức ăn gia súc, gỗ, cán sợi bông, công nghiệp cơ khí chế tạo, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đá granite…

Mục tiêu của tỉnh là sẽ phát triển CN theo hướng hiện đại hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, trong đó, tập trung phát triển, hiện đại hóa những ngành CN có lợi thế so sánh và tác động mạnh đến sự phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn (với tổng công suất 2.193,95 MW), các nhà máy CN chế biến đường tinh chế, tinh bột mì, điều xuất khẩu, đá granite… Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án CN như: Nhà máy sữa tươi 100%-Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutifood Tây Nguyên, nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu Đak Ble, nhà máy thủy điện Ia Ly giai đoạn 2, nhà máy nhiệt điện bã mía An Khê… để đảm bảo đưa vào hoạt động đúng tiến độ, tạo sức bật nhanh và bền vững. Đặc biệt, tỉnh sẽ chuyển hướng đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu; phát triển mạnh một số ngành CN phục vụ phát triển nông nghiệp và CN phụ trợ; chú trọng phát triển CN chế biến nông sản theo hướng tinh và sâu nhằm tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm; CN sinh học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất...

 

Nguồn: Báo Gia Lai


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang