Thứ Hai, 25/11/2024 11:15:28 GMT+7
Lượt xem: 4056

Tin đăng lúc 27-10-2015

Phó Thủ tướng: Chống buôn lậu xử lý hình sự ít chưa đủ sức răn đe

Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tại Hội nghị giao ban công tác 9 tháng của BCĐ, chiều 26/10.
Phó Thủ tướng: Chống buôn lậu xử lý hình sự ít chưa đủ sức răn đe
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả rõ rệt trên cả 3 phương diện về số vụ việc, số tiền phạt vi phạm và triệt phá được một số đường dây ổ nhóm lớn với các mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, ngà voi... bước đầu tạo niềm tin trong nhân dân đối với công tác này.

 

Tuy nhiên, thực tế số vụ bắt giữ buôn lậu và hàng giả chưa tương xứng với tình hình buôn lậu hiện nay, số vụ xử lý hình sự ít, chưa đủ sức răn đe tội phạm này. Nguyên nhân là một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 về công tác này, như chưa xây dựng kế hoạch, lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, một số nơi chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt...

 

Công tác tham mưu, xây dựng pháp luật về chống buôn lậu còn chậm; tuyên truyền chưa được đầu tư nhiều; ý thức của người dân về đấu tranh chống buôn lậu chưa cao; nhiều DN trong nước còn chưa quan tâm bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp mình, thiếu chủ  động và hợp tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xử lý chưa kịp thời; mỗi bộ, ngành, địa phương đều có BCĐ nhưng chưa xử lý rốt ráo, còn tình trạng cục bộ trong xử lý ở một số địa phương.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xử lý kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, đem lại niềm tin cho nhân dân, bảo vệ sản xuất trong nước và sức khỏe cho nhân dân. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến nhân dân trong công tác chống buôn lậu; huy động và phối hợp giữa các lực lượng với nhau chưa cao; xử lý công khai, minh bạch, không bao che như việc đưa ngay lên các phương tiện truyền thông khi bắt được để chống “chạy chọt”; các lực lượng chuyên trách tiến hành rà soát lại các công việc được giao của mình như tiến hành khởi tố nếu phát hiện vi phạm; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các ngành, địa phương; tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức Văn phòng BCĐ 389 quốc gia để đảm đương tốt vai trò quan trọng của mình.

 

Phó Thủ tướng cho rằng, công tác chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong hoạt động chống phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng còn yếu. Cần có chiến dịch để tiến hành kiểm tra, xử lý chống nạn phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng, không để thiệt hại cho người nông dân. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Để tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả và kém chất lượng như hiện nay là trách nhiệm của ai? Phải chăng là của ngành nông nghiệp?

 

Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng kế hoạch, phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tại các cửa khẩu lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

 

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã sửa đổi chính sách biên mậu, bổ sung 32 mặt hàng cư dân biên giới được mua để sử dụng nhằm hạn chế mua hàng rồi bán cho đầu nậu.

 

Hiện nay, Bộ Tài chính đã sửa đổi chính sách hoàn thuế VAT để đấu tranh với công tác chống buôn lậu. Qua thanh kiểm tra, Bộ Tài chính đã chuyển hơn 1.600 bộ hồ sơ liên quan đến hoàn thuế VAT sang cơ quan công an để điều tra, xem xét khởi tố vụ án hình sự. Hiện, cơ quan công an đã khởi tố hơn 320 vụ án liên quan đến hoàn thuế VAT như công ty Formosa đã hoàn thuế sai hơn 200 tỷ đồng.

 

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã kiên quyết đấu tranh chống nợ đọng thuế, theo tính toán còn khoảng 30.000 tỷ đồng doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng vẫn không chịu nộp cho ngân sách nhà nước.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành Trung ương đã chặt chẽ hơn, sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đến nay đã xử lý 86.200 vụ (tăng 10%), tập trung vào xử lý một số mặt hàng như thuốc lá lậu, chuyển 27 vụ sang cơ quan công an.

 

Từ nay đến cuối năm, tập trung vào đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận với việc tổ chức 6 đoàn đi kiểm tra tại các địa phương.

 

Về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý kinh doanh và quản lý vật tư nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 45 quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý vật tư nông nghiệp, qua đó phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, sử dụng các phương pháp, tần suất kiểm tra khác nhau để kiểm soát chất lượng vật tư theo chuỗi và hệ thống. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đã tăng cường tần suất kiểm tra, nhất là đối với thuốc trừ sâu, phân bón giả, kém chất lượng.

 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu khó khăn của ngành là thanh tra chuyên ngành nông nghiệp hiện nay mới có ở cấp tỉnh, tổ chức thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đến cấp xã, phường ở TPHCM và Hà Nội.

 

Báo cáo của BCĐ 389 quốc gia cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2015, các bộ, ngành, địa phương đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 149.926 vụ vi phạm (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái), khởi tố 987 vụ, 1.120 đối tượng. Số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hành tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 8.759 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ).

 

 

Nguồn: Báo điện tử chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang