Giai đoạn 2016-2020, với những nỗ lực trong việc triển khai các nguồn vốn khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã thực hiện 152 đề án khuyến công địa phương và 17 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.
Các đề án được triển khai, như: Đào tạo nghề may công nghiệp, mô hình trình diễn chả cá Surimi (Công ty TNHH Đức Đạt), mô hình trình diễn tinh bột biến tính từ tinh bột sắn (Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh), mô hình sản xuất kính cường lực (Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Quang Hùng Phát)...
Tính riêng trong năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ hơn 3,8 tỷ đồng để thực hiện 5 đề án. Trong đó, đối với 03 đề án hỗ trợ dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị, xây dựng mô hình trình diễn sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở công nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần vào phát triển công nghiệp của tỉnh ổn định và bền vững. Đồng thời, tạo niềm tin cho các cơ sở có nhu cầu khi đăng ký hỗ trợ kinh phí khuyến công, tạo sự lan toả đến các cơ sở công nghiệp trong tỉnh. Đối với 02 đề án tổ chức Hội nghị, hội chợ, sẽ là dịp để ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, cùng hỗ trợ, hợp tác để phát triển và cũng là dịp để Quảng Bình giới thiệu với các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực những thành tựu về phát triển công nghiệp - thương mại đạt được trong những năm qua, nhất là lĩnh vực CN - TTCN; quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và góp phần thúc đẩy nội dung hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Bình từng bước được nâng cao.
Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn khuyến công, ông Hoàng Đình Sang, Giám đốc Công ty TNHH Đức Đạt cho hay: “Nguồn vốn khuyến công đã giúp ích rất lớn cho Công ty trong việc giải quyết vốn ban đầu, giúp Công ty đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị bổ sung cho dây chuyền hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Có thể nói, thông qua hoạt động triển khai thực hiện các đề án khuyến công ở cơ sở thông qua các nguồn vốn khuyến công, ngành Công Thương Quảng Bình đã và đang góp phần hỗ trợ tích cực, kịp thời để các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phát triển quy mô sản xuất kinh doanh. Nhiều cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; phát triển thêm một số nghề mới... Nhờ đó, người lao động được tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Bảo Kiên