Góp phần làm nên kỳ tích đó, Bình Định đã phát huy được tiềm năng riêng có của mình như: Di tích văn hóa, lịch sử; tâm linh; cảnh quan. Riêng du lịch biển được nâng lên thành “Thiên đường biển”. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP và làng nghề Bình Định đã sánh đôi nhau mật thiết, góp phần làm nên sức hấp dẫn độc đáo, trở thành cái duyên cho du lịch Bình Định tiếp tục thăng hoa.
Một vùng đất phù sa cho OCOP nở rộ
Từ xa xưa, Bình Định vốn là “Đất Vua” của nhiều triều đại, cái nôi của Phong trào Tây Sơn dấy bình khởi nghiệp và hiển nhiên, Bình Định là hậu phương phục vụ cho những đội binh thiện chiến đánh Nam, dẹp Bắc, thống nhất sơn hà. Chính nhu cầu hậu cần đã hình thành nên những làng nghề trên quê hương Bình Định như rèn đúc vũ khí, lương khô, dệt vải, thực phẩm bún bánh, nước mắm, làm nón ngựa, dệt chiếu, đan lát... Bình Định lại sở hữu những vùng nguyên liệu đa dạng ở hầu khắp các địa phương. Từ những rừng dừa Tam Quan, Hoài Nhơn, đến các loại nông sản phong phú: Đậu, bắp, màu Phù Mỹ, Phù Cát, rồi chăn nuôi gia súc ở Hoài Ân, An Nhơn, cho đến nguồn hải sản dồi dào của Quy Nhơn, Tuy Phước và nguồn lâm sản đa dạng ở các huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh…
Những ngón nghề truyền thống chính được hình thành từ các địa phương đã được gìn giữ và lưu truyền đến hôm nay. Thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã 01 sản phẩm (OCOP) đã mang lại sức sống cho những làng nghề Bình Định trở thành mảnh đất màu mỡ cho sản phẩm OCOP sinh sôi nẩy nở một cách toàn diện và đột phá. Trong khoảng 50 làng nghề được công nhận chính thức vào cuối năm 2022, có những làng nghề tiêu biểu như: Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá; Làng bánh tráng Trường Cửu - An Nhơn; Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu; Làng rèn Tây Phương Danh; Làng nghề đúc đồng Bằng Châu; Làng gốm Vân Sơn; Làng nón ngựa Phú Gia Phù Cát; Làng nghề dệt chiếu cói; Làng nghề Chế biến thảm xơ dừa Tam Quan…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (trái) và Chủ tịch Saigontourist Group Phạm Huy Bình ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2023 – 2025
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị Kết nối sản phẩm du lịch Bình Định năm 2022 cho rằng, việc tổ chức tham quan các làng nghề, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương là mô hình phát triển du lịch độc đáo của Bình Định. Qua đó, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách tại các làng nghề.
Chung tay phát triển OCOP từ sản xuất, quảng bá và tiêu dùng
Từ cuối năm 2022, tỉnh Bình Định có 133 sản phẩm của 113 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất được công nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng đột phá từ chính sách khuyến công của Nhà nước, các sản phẩm OCOP của Bình Định đã tăng trưởng một cách đáng kể. Toàn tỉnh đã có hơn 217 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 35 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 189 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Du khách tìm hiểu sản phẩm của cơ sở dược liệu Cẩm Mộc – Phù Mỹ
Nhiều mô hình quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được triển khai một cách linh hoạt tại nhiều địa phương gắn với làng nghề: Phiên chợ “Tuần hàng nông sản Bình Định” diễn ra từ ngày 18 – 21/5/2023, có 24 gian hàng từ các huyện, thị xã, thành phố của hơn 50 DN, HTX, cơ sở trong tỉnh với các mặt hàng đạt chuẩn sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như lương thực - thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, đồ uống… đã thành công ngoài mong đợi.
Tiêu biểu trong các điểm mang OCOP đến người tiêu dùng là Cơ sở kinh doanh xăng dầu Phương Linh cuối đường Võ Liệu, thành phố Quy Nhơn đang triển khai tổ chức Siêu thị OCOP Bình Định với quy mô đầu tư bài bản. Với địa thế tiếp giáp với Bến xe trung tâm Tỉnh, đầu mối giao thông trên đường Quy Nhơn – Sông Cầu, Siêu thị OCOP Phương Linh – Quy Nhơn sẽ là nơi cung cấp túi quà du lịch phong phú nhất về Du lịch Bình Định cho khách hàng ra Bắc, vào Nam.
Siêu thị OCOP Phương Linh
Đây là hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại địa phương năm 2023 của Sở Công Thương Bình Định, nhằm giới thiệu, quảng bá và cung cấp nguồn sản phẩm OCOP, nông sản chất lượng được sản xuất từ các địa phương trong tỉnh đến người tiêu dùng.
Để bảo đảm cho OCOP phát triển bền vững
Trong thời gian tới, để hoàn thành kế hoạch 2023 đề ra, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, OCOP tỉnh Bình Định gắn bó mật thiết với các tour du lịch làng nghề và đang tập trung một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP, xem OCOP như một nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, là động lực mới trong xây dựng NTM. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư mở rộng làng nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm OCOP lợi thế của mỗi địa phương.
Hai là, các địa phương triển khai hiệu quả một số chính sách về hỗ trợ phát triển sản phẩm khu vực nông thôn đã được UBND tỉnh ban hành như: Hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kế hoạch phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản,...
Làng nghề dệt chiếu ở Hoài Nhơn Bình Định
Ba là, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về các nội dung của chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, chủ các DN, HTXxã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chú trọng hướng dẫn triển khai lập phương án sản xuất kinh doanh, tập huấn bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; công tác quản lý chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị...
Mặt khác tập trung hướng dẫn thành lập mới, đồng thời củng cố, phát triển HTX, DN để sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và DN.
Vũ Huy Băng