Thứ Năm, 21/11/2024 21:24:47 GMT+7
Lượt xem: 1977

Tin đăng lúc 16-08-2017

Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt: Tăng thuế thuốc lá, đánh thuế nước ngọt

Cơ quan chức năng đề nghị áp thuế nước ngọt 10% từ năm 2019 và bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu.
Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt: Tăng thuế thuốc lá, đánh thuế nước ngọt
Bộ Tài chính dự kiến trình 2 phương án thuế suất với nước ngọt: Áp mức thuế 10% từ năm 2019 và áp thuế 20% từ năm 2019. (Ảnh minh họa: KT)

Bộ Tài chính đề xuất sẽ áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga ở mức 10-20%. Trong khi đó, với thuốc lá, ngoài mức thuế theo tỷ lệ, đề nghị áp thêm mức thu tuyệt đối khoảng 1.000 đồng/bao thuốc lá. Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 15/8.

 

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, để điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường và theo thông lệ quốc tế, cơ quan này đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, việc lạm dụng nước ngọt sẽ dẫn đến béo phì. Các nước trong khu vực đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt để hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường. Ví dụ, tại Thái Lan, nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25%, nước ngọt có ga ở mức 20%. Lào hiện cũng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt khoảng 5-10%. Campuchia áp thuế với nước ngọt là 10%.


Ngoài ra, 3 nước ASEAN cũng đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là Myanmar (dự kiến thu thuế 5%), Philippines (dự kiến thu 10 peso/lít), Indonesia (dự kiến thu 3.000 rupiah/lít). Các nước châu Âu còn đánh thuế ở mức cao hơn. Cụ thể, Pháp áp thuế với mức tuyệt đối là 0,72 euro/lít, Hungary quy định mức thuế 0,04 euro/1 chai hoặc 1 lon nước, Hà Lan thu 0,09 USD/lít…

 

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt. Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất. Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019.

 

Đối với thuốc lá, báo cáo của Bộ Tài chính cũng dẫn nguồn từ WHO cho rằng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng dầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam cao theo đánh giá có nhiều nguyên nhân trong đó có giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận.

 

Theo thống kê của ngành tài chính, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở mức hơn 48%, thấp hơn nhiều các nước khác. Ví dụ, tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%,…

 

Do vậy, để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối).

 

Theo quy định, lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Qua đó, theo phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

 

Trả lời cho nghi vấn, liệu mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá có thấp không, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, đây là vấn đề cần tính toán vì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất. Hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỷ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỷ bao. Bởi vậy, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nếu thu thêm mức tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thì ngân sách có thêm khoảng 4.000 tỷ đồng./.

 

Nguồn VOV


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang