Thứ Năm, 21/11/2024 20:09:53 GMT+7
Lượt xem: 5289

Tin đăng lúc 22-11-2014

Sức bật Phù Cát

Một trong những nội dung được bàn đi tính lại khi đưa vào Nghị quyết huyện Đảng bộ Phù Cát lần thứ XXI nhiệm kỳ (2015-2020) là tiêu chí tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sức bật Phù Cát
Huyện Phù Cát tỉnh Bình Định đẩy nhanh tốc độ điện khí hóa nông thôn

       Theo đó, trong năm khởi đầu 2015, các địa phương trên địa bàn huyện Phù Cát sẽ xây dựng hoàn chỉnh 64 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trên địa bàn 17 xã, có diện tích gieo trồng 3.455 ha, với 6.600 hộ tham gia. Trong đó, có 53 CĐML sản xuất lúa với tổng diện tích 2.965 ha; 5 CĐML chuyên canh đậu phộng xen mì; 4 CĐML dành cho đặc sản đậu phộng và bắp lai. Một điểm tựa khá vững chắc tạo niềm tin trong toàn Đảng bộ là chương trình điện khí hóa nông thôn ở Phù Cát đã phát huy tác dụng.

 

      Từ một miền đất khó

 

      Thực vậy, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Chính phủ ban hành, đến nay huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có 2 xã đạt 15/19 tiêu chí là xã Cát Trinh và xã Cát Khánh. Ngoài ra, xã Cát Hanh đạt 12/19 tiêu chí; 14 xã còn lại đạt từ 7 đến 11 tiêu chí. Tính đến giữa năm 2014, lưới điện quốc gia đã về huyện Phù Cát đúng 21 năm; đây là tiền đề tạo cho Phù Cát hoàn thành sớm tiêu chí thứ 4. Điện đã và đang trở thành động lực mạnh mẽ để Phù Cát tiếp tục phát triển thành công theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

 

       Nếu nói Bình Định ở vị trí giữa của chiếc “đòn gánh” miền Trung thì huyện Phù Cát là tâm điểm của chiếc đòn gánh đó. Điều đó giải thích vì sao mãi đến cuối năm 1993, điện quốc gia mới về tới Phù Cát - chậm hơn so với các huyện đồng bằng duyên hải của Bình Định. Tuy vậy, tốc độ phát triển lưới điện ở huyện Phù Cát được đẩy nhanh bằng quyết tâm lớn của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện. Nguồn vốn đầu tư kéo điện về Phù Cát lúc ấy được huy động từ nhiều nguồn: ngành điện, HTX nông nghiệp, mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phong trào đổi đậu xanh, đậu nành, đổi heo, đổi đường mật …lấy Máy biến áp, lấy dây cáp điện sôi nổi một thời. Chính nhờ “cú hích” ban đầu ấy, điện năng đã có điều kiện lan tỏa nhanh trong cuộc sống, sản xuất và đánh thức được mọi tiềm năng về đất đai, rừng, biển… của Phù Cát. Tiêu chí thứ 4 trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Phù Cát là điện - đã được thực hiện một cách nhanh chóng ở 17 xã và thị trấn Ngô Mây, tạo sức bật mới ở một vùng đất nghèo khó đi lên từ cát và… cát.


      Với đặc điểm địa hình phức tạp, diện tích chỉ 680km2, Phù Cát có cả vùng núi, vùng sâu như Cát Lâm, Cát Sơn, vùng biển như Cát Hải, Cát Tiến, Cát Minh, vùng đồng bằng như Cát Hiệp, Cát Tường… Bù lại thiên nhiên đã ưu ái cho Phù Cát những thế mạnh về nông nghiệp, ngư nghiệp, khoáng sản titan và cây công nghiệp. Ngoài ra, những tiềm năng về du lịch như: Suối nước nóng Hội Vân, chùa Ông Núi (Linh Phong Tự) tại xã Cát Tiến, có bãi biển Cát Hải, Cát Tiến và cửa biển Đề Gi, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Hòn Vọng Phu tại núi Bà... Rồi những ngành nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương được phục hồi và phát triển như: Đan lát Trung Chánh, nón lá, nón ngựa Gò Găng, Cát Tường; gạch ngói Gia Thạnh, làng muối Cát Minh, nước mắm cá cơm Đề Gi, Cát Khánh, đá mỹ nghệ Cát Nhơn, Cát Hưng...
 

Đến những đổi thay từ điện


      Điện về đã thổi bùng những tiềm năng ấy của Phù Cát trở thành nguồn thu nhập chính, xóa đói, giảm nghèo và tạo cho Phù Cát cơ sở để đưa hàng hóa vươn rộng ra thị trường cả nước và xuất khẩu. Với hệ thống điện được xây dựng bài bản từ sau ngày giải phóng và hoàn thiện trong những năm gần đây, toàn huyện Phù Cát đã được phủ kín điện quốc gia 100%, đồng nghĩa với 49.786 hộ dân được sử dụng điện. Lộ trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở Phù Cát hiện nay đã đến   đích từ tháng 01/2014:  hoàn thành tiếp nhận lưới điện tại xã cuối cùng là Cát Lâm. Như vậy, lưới điện Phù Cát có chiều dài dường dây trung thế 321,875 km, chiều dài dường dây hạ thế 349,309km với 385 trạm biến áp, có tổng dung lượng 100.374kVA, đủ bảo đảm cho Phù Cát nguồn năng lượng dồi dào xây dựng dựng nông thôn mới.

 
      Với quy mô lưới điện bề thế đó, sản lượng điện năng cung ứng trên địa bàn toàn huyện bình quân tăng 12-14%/năm. Năm 2013, mặc dù còn chịu ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng sản lượng điện thương phẩm tính từ Điện lực Phù Cát cung ứng cho địa phương vẫn đạt gần 150 triệu kWh, trong đó điện phục vụ sản xuất công nghiệp chiếm 68,15%, bơm tưới cho nông nghiệp chiếm 9,2%, ánh sáng sinh hoạt 28,3% và năm 2014 này Phù Cát sẽ cán đích 185,triệu kWh điện thương phẩm.


      Phù Cát đã đưa điện ra cánh đồng mẫu lớn, tăng năng lực tưới tiêu chủ động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều giống mới: lúa, bắp, đậu phụng có năng suất cao, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết được đưa vào khảo nghiệm. Đặc biệt quả xoài cát ở xã Cát Hiệp là một đối chứng thuyết phục trong tái cơ cấu giống cây trồng. Mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch hiện nay khoảng 99%. 10 cánh đồng mẫu lớn thí điểm với diện tích 463ha được triển khai thực hiện ở 10 xã, đem lại lợi nhuận cao hơn 1,5 lần so với chân ruộng truyền thống. Nhờ đó, giá trị sản xuất đạt 105,9 triệu đồng/ha/năm.

 

Cán bộ và nông dân kiểm chứng năng suất lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Phù Cát     

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trong năm 2015 sắp tới, các địa phương trên địa bàn huyện sẽ đột phá xây dựng 64 cánh đồng mẫu lớn  trên 17 xã, với diện tích gieo trồng 3.455 ha, với 6.600 hộ tham gia. Trong đó, có 53 CĐML sản xuất lúa với tổng diện tích 2.965 ha; 5 cánh đồng chuyên canh cây đậu phộng xen mì; 6 cánh đồng đặc sản đậu phộng và  trồng bắp lai. Kết quả đã được khẳng định trên thực tế là vụ Đông Xuân 2014 - 2015 thực hiện 31 CĐML, với diện tích 1.650 ha; Vụ Hè Thu thực hiện 33 CĐML với diện tích 1.805 ha thu hoạch đều đạt năng suất vượt kế hoạch .


      Điện được đưa vào cả trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi; cơ cấu ngành chăn nuôi trong tổng giá trị ngành nông nghiệp tăng từ 34,3% năm 2010 lên 48,3% năm 2014. Ngành thủy sản phát triển cả về nuôi trồng và đánh bắt. Toàn huyện hiện có 1.200 tàu cá, tổng công suất trên 90.000CV đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Điện được đưa ra hồ tôm quay cánh quạt nước, đưa diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên 635ha, tăng 64 ha so với năm 2010.

 

     Điện đã tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

 
      Đã 21 mùa xuân sau ngày Phù Cát có điện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Phù Cát giai đoạn 2011- 2014 là 13%. Trong cơ cấu kinh tế, tỉ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 35,3%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ 64,7%. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, 100% số thôn có điện lưới, 100% số hộ sử dụng điện, có 86% số hộ sử dụng nước sạch. Tỉ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 3,5%. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2014 ước đạt 29,2 triệu đồng/người, tăng 8,3 triệu đồng so với năm 2013… Đó là những con số có ý nghĩa trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay của huyện Phù Cát.


       Tuy chưa hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng các địa phương của Phù Cát có đủ cơ sở để tin tưởng trong từng bước đi vững chắc của mình. Trong đó, vai trò của điện năng thể hiện ở tiêu chí 4 luôn là nguồn động lực góp phần quyết định để hình ảnh một nông thôn mới Phù Cát hiện rõ và bừng sáng.

 

                                                                                 Văn Thuận

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang