Trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, cả nước có trên 600 CCN. Tại nhiều địa phương, CCN phát triển một cách tự phát, gần như các huyện đều đã có chủ trương hình thành CCN. Thực tế này khiến nhiều tỉnh, thành phố phải điều chỉnh lại quy hoạch CCN. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển nóng này tại các địa phương là cơ chế, chính sách chưa đủ sức “nặng”, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không thống nhất.
Nhằm xử lý những bất cập trên, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành. Theo đó, cả nước có khoảng 400 CCN đã được UBND cấp tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên chuyển đổi thành khu công nghiệp.
Đặc biệt, để thêm sức nặng về pháp lý cho công tác quản lý, phát triển CCN, vừa qua, Bộ Công Thương đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nghị định về quản lý, phát triển CCN. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2017, trong đó quy định rõ về quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. Nghị định mới cũng có rất nhiều chính sách ưu đãi phát triển. Cụ thể, những dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật, trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN làng nghề được miễn thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 15 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư…
Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác; Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành; Sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương; Các ngành, nghề, sản phẩm có thể mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương; Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đầu tư, di dời vào CCN…
Với việc ban hành Nghị định mới cùng nhiều chính sách ưu đãi và quy định cụ thể, hy vọng rằng công tác quản lý các CCN sẽ nhanh chóng được cải thiện, khắc phục được những yếu kém, bất cập còn tồn tại, qua đó, thúc đẩy và phát huy hơn nữa vai trò của các CCN trong tiến trình CNH – HĐH đất nước./.
Đức Minh