Thứ Sáu, 22/11/2024 11:21:02 GMT+7
Lượt xem: 3192

Tin đăng lúc 25-12-2016

Tăng cường hợp tác công - tư: Phát triển thị trường nội địa, tạo sức bật cho hàng Việt

Những năm gần đây, với mục đích thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia các dự án phát triển của Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp khuyến khích các khu vực kinh tế và cộng đồng DN tham gia phát triển quan hệ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Đây là biện pháp mới và hiệu quả, không chỉ góp phần giảm gánh nặng và rủi ro cho ngân sách nhà nước, mà còn tăng hiệu quả xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho hàng Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý, tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ.
Tăng cường hợp tác công - tư: Phát triển thị trường nội địa, tạo sức bật cho hàng Việt
Hàng Việt được du khách nước ngoài ưa chuộng

Mô hình hợp tác công - tư (PPP - Public Private Partner) là hình thức đầu tư mà qua đó nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân phối hợp thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân. Lợi ích của mô hình PPP đã được ghi nhận ở nhiều nước phát triển và là xu hướng tất yếu của các nước trong đó có Việt Nam. Thậm chí nó được coi như là một cú huých, một lực đẩy để đầu tư công bứt phá theo.

 

Hiệu quả từ mô hình hợp tác công - tư

 

Theo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, thông qua mô hình PPP, các DN sẽ dễ dàng tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.

 

Từ 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 148 dự án để liên kết mô hình PPP nhằm phát triển thị trường nội địa cũng như thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Hợp tác công – tư để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng là một trong những hoạt động được đánh giá là hiệu quả nhất và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đây như là cuộc maketing lớn ở phạm vi quốc gia mà có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, sự hưởng ứng của DN và người tiêu dùng. Nó thể hiện ở chỗ từ cách tổ chức rất bài bài, số lượng DN tham gia cũng ngày càng đông hơn, lượng kinh phí của DN tự bỏ ra để tham gia vào các hoạt động hợp tác công tư giữa các bộ ngành và các DN, các hiệp hội ngành hàng ngành nghề cũng ngày càng lớn hơn.

 

Những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển mô hình PPP

 

Mô hình hợp tác PPP đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và cho nền kinh tế VN nói chung. Tuy nhiên, mô hình này đang cần một “cú huých” quan trọng, đó là hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm tính chất minh bạch cho hoạt động PPP.

 

Ở Việt Nam hiện nay, mô hình này tương đối mới, thời gian qua Nhà nước cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động này như: Quyết định số 71/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng CP về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư; Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thông qua mô hình hợp tác này, các DN dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận thông tin, được hỗ trợ hợp lực cả về nguồn lực, kỹ năng phát triển mạng lưới kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Gần đây nhất, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về việc Hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, trong đó có nhấn mạnh mục tiêu chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển. Qua đó thấy được quan điểm của Nhà nước đối với mô hình hợp tác công – tư này nó có vị trí quan trọng đến mức nào. Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và DN cần được đẩy mạnh lên thành mối quan hệ đối tác. Đây cũng sẽ là căn cứ pháp lý rất quan trọng để làm thế nào tổ chức lại thị trường nội địa, tổ chức lại thị trường mậu biên để giúp DN VN tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước.

 

Những năm qua, Bộ Công Thương cùng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác công – tư nhằm hỗ trợ các Hiệp hội DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, khoa học công nghệ. Trong đó, cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, động viên các DN sản xuất ra nhiều mặt hàng VN có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Thị trường nội địa kỳ vọng vào hợp tác PPP

 

Hợp tác công - tư được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ phát triển thị trường nội địa, tạo sức bật cho hàng Việt trong thời gian tới. Đây cũng được xem là cơ chế để khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

 

Từ thực tiễn áp dụng mô hình đối tác công – tư hiệu quả, bà Mai Thị Thuỳ, Chủ tịch Hội Nữ DN vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, nhờ áp dụng hợp tác công - tư mà nhiều doanh nghiệp có điều kiện tham gia hội chợ quốc tế, đi xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Kết quả là sau mỗi chuyến đi, 100% doanh nghiệp giới thiệu được hàng hoá với khách hàng, 10% doanh nghiệp tìm được đối tác và ký hợp đồng ngay tại hội chợ. Đối với thị trường trong nước, thông qua các chương trình như: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình đưa hàng về nông thôn… thì các DN đã có cơ hội giới thiệu hàng hoá, mở đại lý phân phối hàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

 

Theo các chuyên gia, cách làm này là rất hiệu quả và thiết thực, nhất là đối với DN nhỏ và vừa vốn hạn chế rõ về quy mô, nguồn lực, kinh nghiệm phát triển thị trường… Nhờ tham gia đối tác công – tư, DN nhỏ và vừa có thể được hỗ trợ, hợp lực cả về nguồn lực, kỹ năng để phát triển thị trường cho sản phẩm của mình.

 

Như vậy, rõ ràng việc áp dụng một cách bài bản mô hình hợp tác công – tư gắn với việc phát triển thị trường cho hàng Việt sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đó là nhà nước giảm áp lực chi ngân sách đầu tư mà vẫn phát triển được thị trường, xúc tiến thương mại hiệu quả hơn cho hàng Việt, doanh nghiệp thì có thêm nhiều cơ hội, kiến thức, kỹ năng phát triển thị trường cho sản phẩm, từ đó làm tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, mở rộng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế./.

 

Như Quỳnh (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang