So với các loại cây trồng truyền thống khác ở thành phố Hòa Bình, cây Sả là loại cây tốn ít công chăm sóc, đặc điểm sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất dốc, đất cằn của thành phố. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi của “Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020”, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích, vận động người dân tại địa bàn thành phố Hòa Bình trồng và phát triển cây Sả để lấy tinh dầu.
Tại Thành phố Hòa Bình hiện có 10/15 xã, phường có trồng Sả với tổng diện tích khoảng 302 ha, trong đó tập trung tại phường Thống Nhất 178 ha, phường Thái Bình 95 ha, phường Dân Chủ 20 ha,… còn nằm lại rải rác tại các xã lân cận. Xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình có HTX Nông nghiệp Bản Dao - Thống Nhất được thành lập năm 2015 với 86 hội viên. Trong số các giống sả, các hội viên HTX trồng chủ yếu là giống Sả chanh, diện tích sản xuất là 145 ha, sản lượng trung bình 7-15 tấn/ha, giá bán trung bình 2.000đ - 5.000đ/kg củ tươi và 10.000đ - 12.000đ/kg lá Sả.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sả - Tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình”
Bà Nguyễn Thị Bình, dân tộc Mường - Giám đốc HTX Bản Dao chia sẻ: “Từ khi có dây chuyền chưng cất tinh dầu, đã giảm được nhiều công lao động cho các thành viên HTX. Tất cả các sản phẩm từ sả (củ sả, lá, bẹ sả) đều có thể chưng cất thành tinh dầu có giá trị kinh tế cao. Dây chuyền có công suất hoạt động 2 mẻ/ngày, cho định mức từ 2,0 – 2,5 lít tinh dầu/ngày. Ngoài ra, HTX đã liên kết với nhiều đối tác phát triển đa dạng sản phẩm với tinh dầu sả chanh, nước lau nhà từ tinh dầu sả, nước rửa bát. Với những sản phẩm đó, HTX đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đầu ra của thành viên sản xuất, do đó mức thu nhập của chị em ngày càng cao, số lượng thành viên tham gia ngày càng đông. Đây cũng là cơ hội giúp chị em phụ nữ dân tộc Dao nâng cao nhận thức và chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời tạo việc làm và góp một phần vào chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương”.
Bản đồ khoanh vùng sản phẩm đăng ký nhãn hiệu
Để bảo vệ danh tiếng, uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm khi tiếp cận thị trường, tháng 10/2020 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt và triển khai đề tài: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sả - Tinh dầu Sả Thành phố Hòa Bình” cho sản phẩm Sả và Tinh dầu Sả của thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình với đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Trong khuôn khổ nội dung được phê duyệt, đề tài được thực hiện với 4 nội dung chính như sau: i) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sả - Tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình”; ii) Xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sả - Tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình”; iii) Xây dựng và vận hành thí điểm hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sả - Tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình”; iv) Xây dựng hệ thống nhận diện và phát triển thị trường cho sản phẩm Sả và Tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình mang nhãn hiệu chứng nhận.
Sau 2 năm triển khai đề tài, ngày 13 tháng 04 năm 2022, Cục Sở hữu Trí tuệ ra Quyết định số: 29437/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số: 418147, nhãn hiệu chứng nhận “SẢ - TINH DẦU SẢ THÀNH PHỐ HÒA BÌNH” cho sản phẩm củ sả tươi và tinh dầu sả, vùng địa lý được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận gồm: Phường Thống Nhất, phường Thái Bình, phường Dân Chủ, xã Độc Lập, xã Mông Hóa, xã Quang Tiến, chủ sở hữu giấy chứng nhận là Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình.
Việc đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “SẢ - TINH DẦU SẢ THÀNH PHỐ HÒA BÌNH” bước đầu đã nâng cao được danh tiếng, uy tín, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ đó tạo công ăn việc làm, tăng hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
PV