Thứ Sáu, 22/11/2024 15:58:39 GMT+7
Lượt xem: 1581

Tin đăng lúc 15-06-2020

Thái Bình: Đào tạo nghề, tạo cơ hội tìm việc làm cho lao động nông thôn

Năm 2020, hoạt động khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Thái Bình đã tiếp tục khẳng định được vai trò của mình trong việc hướng nghiệp, đào tạo nghề, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Thái Bình: Đào tạo nghề, tạo cơ hội tìm việc làm cho lao động nông thôn
Giáo viên và học viên trong giờ học lý thuyết lớp học máy may công nghiệp

Theo ông Hà Văn Hải – Giám đốc TTKC tỉnh Thái Binh cho biết: Thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2020 của UBND tỉnh Thái Bình, nhằm khai thác hiệu quả từ lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, TTKC đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức, triển khai nhiều Chương trình hỗ trợ người dân nông thôn như: Đào tạo nghề, tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp; lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng, mở lớp máy may công nghiệp… đáp ứng nhu cầu về trình độ, nhận thức, tạo việc làm cho người lao động.

 

Hiện nay, TTKC đã và đang phối hợp với chính quyền và Hội Phụ nữ xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ tổ chức lớp học may công nghiệp cho 35 học viên là người lao động có độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi, thời gian học là 03 tháng, từ tháng 5 – 8/2020.

 

 

Cô giáo Tô Thị Nhàn hướng dẫn các học viên sử dụng máy may công nghiệp

 

Cô giáo Tô Thị Nhàn phụ trách lớp học cho biết: Hiện nay, các học viên đã học xong phần lý thuyết, gồm 5 nội dung chủ yếu, gồm: An toàn bảo hộ lao động, giúp học viên trong quá trình làm việc tránh những tai nan đáng tiếc xảy ra; Bảo dưỡng thiết bị giúp người lao động nắm bắt được cấu tạo thiết bị, máy móc để biết cách vận hành các loại máy may, những hiện tượng hỏng hóc thông thường và cách sửa chữa; Vật liệu may và tính chất của vải như: Canh dọc, canh ngang, canh thiên và các phụ liệu để thiết kế, may theo đúng canh của vải nhằm hạn chế độ bai giãn; Thiết kế quần âu, áo sơ mi nam và cuối cùng là bài Công nghệ may, nhằm hỗ trợ học viên biết thao tác các đường may cơ bản, cụm chi tiết áo sơ mi và may hoàn chỉnh áo sơ mi, cụm chi tiết quần âu và may hoàn chỉnh quần âu, một số chi tiết áo zắc két và hoàn chỉnh áo zắc két. Sau khi lớp học kết thúc, TTKC Thái Bình đã tổ chức thi lý thuyết và 100% các học viên đều vượt qua phần học cơ bản này.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Xã có hơn 5.000 nhân khẩu chủ yếu là làm nông nghiệp, nên nhu cầu tìm kiếm việc làm tại địa phương là rất cao. Được sự quan tâm của các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ đã được TTKC tỉnh Thái Bình hỗ trợ nhiều chương trình như: Tổ chức lớp tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp; Lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng; Đào tạo nghề may. Đây là việc làm rất cần thiết và hiệu quả khi tổ chức được các lớp đào tạo nghề tại các địa phương, nó giúp cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Anh Ngô Quang Thuần, thôn Bình Minh là học viên lớp học máy may công nghiệp chia sẻ: Đầu năm 2020, anh đã bị nghỉ việc tại Công ty TNHH Giầy da Sao Vàng của Đài Loan do tình hình dịch bệnh Covid-19, qua tìm hiểu các học viên từ khóa học trước, sau khi tốt nghiệp đều đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp may. Vì vậy, để tìm kiếm cơ hội, tạo việc làm cho bản thân, anh quyết định học lớp máy may công nghiệp do TTKC Thái Bình phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức. Trong thời gian học, anh được các thầy, cô giáo hướng dẫn rất nhiệt tình, giáo trình học dễ hiểu, nên các học viên tham gia khóa học đều tiếp thu bài học rất nhanh. Theo chị Mai Thị Hiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Xá cho biết: Năm 2019, TTKC tỉnh đã phối hợp với xã tổ chức mở lớp may công nghiệp, từ khi khi lớp học kết thúc đến nay, các học viên đã tìm được việc làm tại các công ty may trên địa bàn như: Công ty May Đức Giang, Công ty MXP…, thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng nên, người dân rất phấn khởi khi TTKC tiếp tục mở lớp đào tạo máy may công nghiệp tại địa phương và đã thu hút được các học viên đăng ký tham gia khóa học.

 

 

Học viên trực tiếp làm quen với máy may công nghiệp

 

Với nguồn kinh phí khuyến công địa phương còn hạn hẹp, nhưng có thể nói, TTKC tỉnh Thái Bình đã hết sức nỗ lực, thực hiện hiệu quả nhiều mô hình hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong thời gian tới, TTKC sẽ tiếp tục xây dựng các đề án, kế hoạch trình UBND tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động.

 

Công Du


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang