Để đạt được những kết quả tích cực đó cũng là nhờ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, trong đó nổi bật phải kể tới là hoạt động tuyên truyền về khuyến công.
Theo đó, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những hoạt động quan trọng góp phần vào thành công chung của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đối với lĩnh vực khuyến công, công tác tuyên truyền đã không chỉ thực hiện chức năng thông tin đơn thuần, mà còn đóng vai trò định hướng nhân dân, góp phần điều chỉnh phương thức đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Một trong những hình thức truyền thông hiệu quả đã được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên áp dụng xuyên suốt thời gian qua là đăng tải các chính sách hỗ trợ của khuyến công trên các kênh thông tin đại chúng như: Phối hợp với Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên để mở chuyên mục tuyên truyền về hoạt động khuyến công…
Đặc biệt, để hoạt động tuyên truyền tiếp tục lan tỏa rộng khắp, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên còn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội nghị tập huấn tuyên truyền về công tác khuyến công. Lớp tập huấn là dịp phổ biến tới các cán bộ làm công tác khuyến công, cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương, cùng các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh về những mô hình tiên tiến đã tham gia và được thụ hưởng từ chính sách khuyến công.
Đơn cử như từ ngày 26 – 27/8/2024 vừa qua, lần lượt tại Hội trường UBND xã Vô Tranh và Phú Đô (huyện Phú Lương), Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về công tác khuyến công cho hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Phú Lương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giảng viên truyền đạt nội dung Chương trình khuyến công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công, văn bản hướng dẫn một số nội dung về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công hàng năm; Tuyên truyền về cơ chế, chính sách chuyển đổi số nhằm giúp các cơ sở CNNT tiếp cận xu hướng chuyển đổi số, gia tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng năng lực làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh; Giới thiệu về sản xuất sạch hơn (SXSH) và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam, cũng như các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng SXSH nhằm thúc đẩy chiến lược SXSH trong công nghiệp tại Thái Nguyên.
Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Gốc Gạo được hỗ trợ 75 máy vò chè Inox thông qua nguồn kinh phí khuyến công
Theo ý kiến của tuyệt đại đa số các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn cho thấy: Hội nghị đã giúp các cơ sở CNNT nhận thức được đầy đủ những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển CNNT, cũng như các đối tượng, ngành nghề ưu tiên được hưởng lợi từ chương trình khuyến công. Từ đó, giúp các cơ sở CNNT chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để từng bước nâng cao năng lực quản lý, tay nghề, đồng thời mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ngoài ra, lớp tập huấn còn trang bị, bổ sung thêm kiến thức về lĩnh vực khuyến công cho các cán bộ quản lý thuộc Phòng Kinh tế - Hạ tầng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc truyền tải các thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích phát triển CNNT. Đồng thời, đây còn là kênh giao tiếp hai chiều giữa cơ quan quản lý Nhà nước về khuyến công với cơ sở CNNT, cũng như giữa cơ sở CNNT với các tổ chức, cá nhân liên quan. Tại Thái Nguyên, Hội nghị tuyên truyền về công tác khuyến công do Trung tâm tổ chức đã giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển CNNT để chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Thông qua các hình thức tuyên truyền, trung bình mỗi năm có trên 30 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh nhận được hỗ trợ từ nguồn khuyến công để đầu tư, ứng dụng công nghệ mới và mở rộng quy mô sản xuất.
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì và phát huy tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để tham mưu với Sở Công Thương trình UBND tỉnh phê duyệt đề án khuyến công năm 2025 cũng như những năm tiếp theo, trong đó, có nội dung về tuyên truyền các chính sách khuyến công. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản, chính sách quy định về khuyến công, nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp.
Tuấn Anh