Thứ Sáu, 22/11/2024 08:14:36 GMT+7
Lượt xem: 4734

Tin đăng lúc 08-09-2016

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cần một chiến lược quốc gia cho toàn ngành

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ tình hình chính trị, kinh tế - chính trị rất ổn định, có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và đặc biệt là người tiêu dùng Việt ngày càng mạnh tay trong việc chi tiêu.
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cần một chiến lược quốc gia cho toàn ngành
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những DN Việt Nam chiếm thị phần khá tốt tại kênh phân phối siêu thị

Tuy nhiên, trước những cơ hội thì sức ép cạnh tranh về mở cửa thị trường, sự phát triển như vũ bão của ngành kinh doanh online đã đặt ra cho các DN bản lẻ Việt Nam vô vàn thách thức trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thay đổi chiến lược kinh doanh.

           

Vẫn còn nhiều “đất trống”

           

Theo tính toán của các chuyên gia thì cứ 1.000 dân thì cần một cửa hàng tiện lợi, 10.000 dân thì cần một siêu thị và cứ 100.000 dân cần một trung tâm thương mại, hoặc đại siêu thị. Việt Nam (VN) với dân số hơn 91 triệu người, trong đó người tiêu dùng trẻ chiếm tới 60%, nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh (thu nhập bình quân đầu người đang tăng theo từng năm) nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến nay, VN có khoảng 130 Trung tâm thương mại và 700 siêu thị, tức là thị phần bán lẻ hiện đại của VN mới chỉ đạt 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Philippines (33%), Trung Quốc (51%)... Như vậy, thị trường bán lẻ VN vẫn còn rất nhiều khoảng trống và là mảnh đất đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư. Đây chính là những lý do khiến làn sóng vốn FDI tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ VN trong thời gian qua.

           

Những thách thức cho DN Việt trước sự “đổ bộ” của làn sóng FDI?         

           

Theo thống kê, hiện nay các nhà bán lẻ nước ngoài mới chiếm khoảng 5% thị phần tại VN. Nhưng đây lại là nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất, bởi họ đều là những doanh nghiệp (DN) quy mô lớn, có nhiều lợi thế về vốn, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng bán hàng, tuyên truyền quảng cáo, niêm yết và bán theo giá, an toàn vệ sinh… cùng với đó là những ưu tiên lớn mà VN dành cho họ. Các con đường vào VN của các Tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài thường họ vừa có Trung tâm thương mại hoặc siêu thị lớn, vừa phát triển một loạt các chuỗi nhỏ dạng cửa hàng tiện ích. Các chuỗi nhỏ của họ thì cũng quá nhiều hàng hóa cộng với cách tổ chức tốt, nên chèn cả những cửa hàng nhỏ lẻ theo kiểu kinh doanh truyền thống của VN. Như vậy, hệ thống phân phối của VN bị tấn công cả ở khu vực hiện đại (siêu thị) lẫn khu vực truyền thống (các cửa hàng bán lẻ). 

 

           

 

Hàng Thái Lan đang dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

 

Trong khi đó, các DN bán lẻ của VN, ngoài những DN lớn hiện vẫn đang chiếm thị phần khá tốt tại kênh phân phối siêu thị với ưu điểm đã có thương hiệu tại VN và nắm bắt được nhu cầu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt như Tổng công ty Thương mại Hà Nội với Hapromart; Sai Gon Co-op với chuỗi siêu thị Saigon Co.op mart; Công ty CP Nhất Nam với Fivimart… thì đa số những DN khác đều có chung nhược điểm là thiếu kinh nghiệm cạnh tranh, xây dựng những chuỗi bán lẻ lớn, trong khi nhân lực và cả tài lực cũng chưa thể so sánh với các tập đoàn nước ngoài. Trong khi các DN nước ngoài có những chiến lược marketing được tính toán rất chi tiết và chuyên nghiệp thì các DN Việt hầu như vẫn chỉ kinh doanh theo phương thức truyền thống...

           

Nói về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN cho rằng, sự có mặt của các DN nước ngoài đem lại nhiều thách thức lớn, nhưng nó cũng có tác dụng như một làn gió mới và cũng là sự thúc đẩy để các DN Việt buộc phải phải thay đổi, chủ động tạo ra sức cạnh tranh để có thể vượt qua những thách thức, nắm lấy cơ hội trong thời kỳ hội nhập.

           

Cần có một chiến lược quốc gia cho ngành bán lẻ Việt Nam

           

Thời gian qua, thị trường bán lẻ VN đã chứng kiến sự thu hẹp quy mô của nhiều đại gia như chuỗi siêu thị Nguyễn Kim; sự ra đi đột ngột của chuỗi siêu thị Topcare; hay gần đây nhất là cuộc chuyển nhượng Metro vào tay Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. Trước đó, hàng loạt thương hiệu ngoại có tiếng đã tiến vào thị trường Việt như Robinsons (Thái Lan); Lotte (Hàn Quốc); AEON (Nhật Bản)… Điều này đã khiến các DN trong ngành phải nhìn lại chiến lược và xây dựng cho mình những kịch bản riêng. Ví như gần đây, hệ thống siêu thị Intimex đã cho ra đời chuỗi siêu thị tiện lợi. Thêm vào đó, nắm được xu hướng của thị trường, tâm lý, thị hiếu của NTD Việt, hệ thống này đã cho ra đời một dịch vụ được cho là chưa từng có ở hệ thống các siêu thị bán lẻ ở VN, đó là dịch vụ tư vấn setup một mâm cỗ hoàn chỉnh vừa đầy đủ dưỡng chất, vừa tiết kiệm chi phí và thời gian...

 

           

Hapro - một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam, vừa khai trương thêm siêu thị Unimart Seika

 

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN thì những cách đi của các DN Việt trong thời gian qua là đúng đắn. Hiện nay, những DN thành công và đứng vững trên thị trường là những DN đã cố gắng hết sức để có một chiến lược phát triển phù hợp với thị trường, cũng như nhìn xa tới cả tương lai. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ hiện nay rất năng động và nó khác xa với trước. Chính vì sự thay đổi liên tục như vậy cộng với sự phát triển như vũ bão của internet đòi hỏi chúng ta cần phải có chiến lược phát triển ở cấp quốc gia cho ngành bán lẻ Việt Nam, bà Loan nhấn mạnh.       

           

Tại hội thảo “Thị trường bán lẻ VN – cơ hội và thách thức” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, các chuyên gia cho rằng: Để cạnh tranh được với DN ngoại thì trước hết các DN nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý; chú trọng đào tạo nhân lực; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất – phân phối – bán lẻ để có mức giá hấp dẫn; duy trì và liên tục nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo dựng uy tín, phát triển thương hiệu, nâng cao độ hài lòng của khách hàng; tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường mà các DN VN có lợi thế... Đồng thời, rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ, để tạo động lực phát triển, giúp DN bán lẻ trong nước tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần.

           

Theo dự báo đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được trên 40% nhu cầu tiêu dùng. Để không bị lấn át và mất thị phần trên “sân nhà”, nhiều DN Việt đã “bừng tỉnh” và có chiến lược riêng của mình, nhằm tăng năng lực cạnh tranh và nắm bắt những cơ hội trên thị trường. Tuy nhiên, những chiến lược này nếu chỉ là riêng lẻ từng DN thì liệu có bền vững khi ngày càng có nhiều đại gia bán lẻ trên thế giới “đổ bộ” vào VN? Vẫn biết, thời gian qua đã có một vài DN bán lẻ Việt liên kết với nhau để tạo thành chuỗi, nhưng sự liên kết ấy đâu đó vẫn còn sự rời rạc và liệu đó có phải là cách bền vững để các DN Việt tận dụng một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.

 

Nghiêm Liên

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang