Hàng Việt còn chiếm tỷ lệ thấp
Tại chợ Đồng Xuân - một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc hiện nay, tỷ lệ hàng Việt và hàng Trung Quốc đang bằng nhau. Một số ngành hàng Việt Nam có tỷ lệ cao trong chợ là giày dép (70%), nông sản thực phẩm (80%); các nhóm hàng khác như đồ lưu niệm, hàng Việt Nam chỉ chiếm 20%, quần áo 40%...
Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân - cho hay: Hàng Việt Nam bày bán tại chợ chủ yếu là sản phẩm của các cơ sở sản xuất nhỏ hoặc các làng nghề thủ công, các doanh nghiệp (DN) lớn hầu như không tham gia vào kênh phân phối này. Nguyên nhân là do các DN lớn có vốn lớn, muốn xây dựng thương hiệu nên thường chú trọng phát triển kênh phân phối riêng tại các tỉnh, thành phố, khu vực trung tâm.
Về phía các tiểu thương, theo chị Nguyễn Thanh Thủy - chủ ki-ốt 26, chợ Đồng Xuân, hàng Việt vẫn có một số nhược điểm như giá thành khá cao nếu so sánh với hàng hóa từ Thái Lan hay Trung Quốc, không phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp. Ngoài ra, trong khi các DN Trung Quốc sẵn sàng cho tiểu thương lấy hàng số lượng ít hoặc nhiều tùy nhu cầu, thì các DN Việt Nam thường yêu cầu các tiểu thương lấy hàng với số lượng lớn, thời gian trả tiền nhanh khiến tiểu thương chưa mặn mà với hàng hóa Việt.
Tình trạng hàng Việt chưa chiếm lĩnh tốt hệ thống phân phối truyền thống đang khá phổ biến ở nhiều địa phương. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho hay, cả nước đang có hơn 8.600 chợ truyền thống và với thói quen mua sắm của người dân, đây là kênh tiêu thụ hàng Việt nhiều nhất. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, nhiều mặt hàng chúng ta có lợi thế như giày dép, may mặc... thì lại chiếm tỷ lệ không cao ở các kênh chợ truyền thống. Đây là điều bất lợi của hàng hóa, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập mạnh mẽ.
Tập trung nhiều giải pháp
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau 7 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), trong khi hàng Việt chiếm tỷ lệ khá cao tại các siêu thị thì bài toàn khó khăn hơn là làm sao đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, bởi lẽ các DN đã “bỏ quên” thị trường này quá lâu. Để chiếm lại kênh phân phối tiềm năng này và cũng có bước ứng phó với các Hiệp định thương mại trong nội khối ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do khác khi thuế suất nhập khẩu về 0%, hơn lúc nào hết, các nhà sản xuất, DN cần phải phối hợp, tổ chức lại chiến lược kinh doanh ở chuỗi hệ thống chợ truyền thống.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương mại miền núi. Với Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, Bộ Công Thương đang hỗ trợ 200 huyện phát triển hàng Việt đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm, để đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, đặc biệt là khu vực miền núi, nông thôn, điều quan trọng là phát triển đội ngũ doanh nhân ở những vùng này, vì đây là đối tượng quan trọng để có thể đưa ý tưởng, tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển ở mọi địa bàn. Từ đó, có thể kết nối vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo với các thị trường thành phố để giúp cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận gần hơn với các hàng hóa chất lượng cao. Điều này không chỉ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn phải có sự đồng hành của địa phương và quyết tâm cao của DN.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Không chỉ chú trọng tại các hệ thống siêu thị, các DN Việt phải đầu tư hơn vào kênh bán lẻ truyền thống, bởi đây chính là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng và thu hút nhiều người tiêu dùng nhất. |
Nguồn Báo Công Thương điện tử