Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:43:31 GMT+7
Lượt xem: 3162

Tin đăng lúc 08-05-2017

Tín hiệu thương mại bốn tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm tiếp tục khả quan với tốc độ tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 61,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước vẫn chỉ đóng góp được 27,3%, còn lại là phần của khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô). Rõ ràng xu hướng khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta không những không thay đổi mà còn nặng nề hơn.
Tín hiệu thương mại bốn tháng đầu năm

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu tới 8,49 tỷ USD, tương đương 49,1% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này và chỉ nhờ khu vực FDI duy trì xuất siêu 5,75 tỷ USD (con số này là hơn 4,8 tỷ USD nếu loại trừ dầu thô) nên thâm hụt thương mại bốn tháng đầu năm 2017 mới dừng lại ở 2,74 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cơ cấu và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu các hàng hóa chủ yếu cũng phản ánh ưu thế rõ rệt của khu vực FDI trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn đang phải vật lộn với không ít khó khăn cả từ thị trường quốc tế lẫn từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dẫn đầu về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu là nhóm điện tử, máy tính và linh kiện với 44,3%, xuất khẩu dầu thô cũng tăng tới 34,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước mặc dù giảm 6,1% về lượng. Đặc biệt xuất khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng tới 38,8%. Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống vẫn có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tương đối tốt bất chấp thị trường quốc tế không thuận lợi và cạnh tranh ngày càng gay gắt, cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn đạt cao nhất với 7,5 tỷ USD, tăng 9,1%, giày dép đạt 4,2 tỷ USD, tăng 9,6%. Đối với nhóm hàng nông sản xuất khẩu, tình hình khó khăn vẫn chưa được khắc phục cơ bản khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ được 2,1 tỷ USD, tăng 9%, xuất khẩu gạo thậm chí giảm cả về giá trị (giảm 8,1%) lẫn lượng xuất khẩu (giảm 8,8%). Do bất lợi về giá nên xuất khẩu hạt tiêu cũng như sắn và sản phẩm sắn đều chưa tới nửa tỷ USD cho dù lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng 11,2 %, lượng xuất khẩu sắn tăng 2%, song giá trị xuất khẩu lại giảm lần lượt là 16% và 1,6%. 

Thị trường xuất khẩu hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chuyển dịch khi sau bốn tháng qua, các thị trường hàng đầu như Mỹ và EU tuy vẫn giữ vững vị trí với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta lần lượt là 18,8% và 17,8% nhưng tốc độ tăng đã chậm hẳn lại với các con số tương ứng là 3,7% và 8,8%. Khó khăn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã được bù đắp một phần nhờ tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường khác như Trung Quốc tăng 45,1%, Hàn Quốc tăng 32%, ASEAN tăng 26% và Nhật Bản tăng 19,3%.

Có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam bốn tháng đầu năm 2017 đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước song vẫn chưa có sự chuyển dịch rõ rệt cả về cơ cấu hàng hóa cũng như cơ cấu thị trường xuất khẩu trong khi kim ngạch nhập khẩu lại tăng quá nhanh khiến cho bất ổn vĩ mô có thể nảy sinh. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục cơ cấu lại hàng hóa, chủ thể và thị trường xuất nhập khẩu theo hướng tăng sức cạnh tranh và cân đối, đồng thời cần kiểm soát nhập khẩu để giảm thâm hụt cán cân thương mại, khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa trong nước.

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang