Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 07/9/2009 phê duyệt “chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”, theo đó, đến năm 2020 trên phạm vi toàn quốc sẽ có 90% các cơ sở sản xuất công nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; 90% các Sở Công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cùng với việc thực hiện Quyết định trên, UBND tỉnh Thái Bình cũng tiếp tục triển khai Quyết định số 3375/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 về việc giao Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Trung tâm KC&TVPTCN) tỉnh Thái Bình, thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó đẩy mạnh nhiệm vụ khuyến công tại địa phương, tập trung vào các hoạt động SXSH trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện môi trường, sức khỏe người lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất công nghiệp cũng ngày càng phát triển mạnh, nhờ vào những chính sách ưu đãi của UBND tỉnh; sự phát triển mạng lưới giao thông, cùng với lực lượng lao động trẻ, có trình độ tay nghề cao, nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh, đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với công tác quản lý, điều hành trong sản xuất của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng... Nhận thức được tầm quan trọng đó, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh Thái Bình đã xây dựng đề án, thực hiện tư vấn, hỗ trợ đánh giá về SXSH cho các đơn vị là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; tổ chức hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về SXSH trong công nghiệp; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực về SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về lợi ích áp dụng SXSH trong công nghiệp dưới nhiều hình thức như: In ấn tài liệu, treo băng rôn, khẩu hiệu… Sau khi được hỗ trợ đánh giá, tư vấn về SXSH, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan, đơn vị đã thay đổi nhận thức, đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải, ô nhiễm môi trường.
Bà Trần Thị Diễn – Phó giám đốc TTKC phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác khuyến công năm 2019
Nổi bật trong hoạt động triển khai SXSH trên địa bàn tỉnh có lĩnh vực sử dụng điện năng. Theo báo cáo tại Hội thảo "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp" nhằm đưa ra những giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn điện năng được tổ chức ngày 10/7/2019 tại Thái Bình, thì nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng công nghiệp trong tỉnh tăng rất cao so với bình quân cả nước, đạt trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng trên 15%/năm. Tại Thái Bình, số doanh nghiệp có mức tiêu thụ 01 triệu kWh trở lên đạt khoảng 122 doanh nghiệp. Đến nay, Công ty Điện lực Thái Bình đã làm việc với gần 100 doanh nghiệp, đã ký kết thoả thuận với trên 30 doanh nghiệp tự nguyện tham gia. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của ngành điện Thái Bình trong việc phổ biến thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chương trình sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng nhau trao đổi, nêu ý kiến, tìm ra các giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải hướng tới mục tiêu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh Thái Bình, để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu hơn được ý nghĩa, lợi ích của hoạt động SXSH, thì vấn đề đầu tiên là các nhà đầu tư phải xác định, việc SXSH là một công cụ quản lý áp dụng trong quá trình sản xuất nhằm cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi thực hiện SXSH, người quản lý sẽ xác định được số lượng nguyên vật liệu đầu vào bị thất thoát, hiểu được tại sao xảy ra lãng phí, tiếp cận một cách có hệ thống để giảm thiểu sự thất thoát và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời quan trắc liên tục hiện trạng phát thải và tình trạng ô nhiễm môi trường. Sự áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp đối với các quá trình sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất và giảm rủi ro tiềm ẩn gây ra trong mối liên hệ giữa con người và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện SXSH trong công nghiệp, phải tuân thủ 04 nguyên tắc: Tiếp cận hệ thống; tập trung vào các biện pháp phòng ngừa; thực hiện thường xuyên và cải tiến liên tục; huy động sự tham gia của mọi người. Để triển khai thực hiện chúng ta có 03 nhóm giải pháp kỹ thuật sau: Giảm thải tại nguồn; tuần hoàn & tái sử dụng; cải tiến sản phẩm. Cùng với 05 bước tổ chức thực hiện sau: Tổ chức và lập kế hoạch; chuẩn bị đánh giá; đánh giá; phân tích khả thi; thực hiện & duy trì.
Để chương trình SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách về SXSH. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia và tỉnh Thái Bình, nhằm tiến tới phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị có thành tích trong hoạt động SXSH, nhằm khuyến khích thi đua áp dụng SXSH trên địa bàn tỉnh.
Công Du