Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, thị trường bán lẻ đang có sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất nội địa thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) gặp rất nhiều khó khăn, mạng lưới bị co lại nhiều dẫn đến doanh thu cũng tụt giảm đáng kể. Trước những khó khăn đó, để tiếp tục ổn định SXKD và phát triển bền vững, Tổng công ty (TCT) xác định vẫn tập trung vào 2 lĩnh vực chính là phát triển thương mại nội địa và xuất khẩu, từ đó có những giải pháp kịp thời và hiệu quả.
Đối với kinh doanh thương mại nội địa, đây là lĩnh vực mà Hapro quan tâm kinh doanh trong nhiều năm qua và đặc biệt đây là lĩnh vực giúp giải quyết một lượng rất lớn lao động trong nước. Do vậy, để hoạt động ổn định và ngày càng hiệu quả, năm 2015, TCT đã tiếp tục tập trung vào công tác tái cơ cấu, rà soát lại tất cả các hệ thống thương mại nội địa để đưa vào tính hợp lý của từng địa điểm, vị trí nhằm nâng cao hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, tránh dàn trải như trước kia; tiếp tục chú trọng công tác liên kết nội bộ thông qua việc liên kết hàng hóa, hợp tác khai thác, sử dụng địa điểm... góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả chung; cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động XTTM, tận dụng những lợi thế, tiềm năng từ một số thị trường mới, phát triển, mở rộng các hoạt động kinh doanh thương mại và cung cấp dịch vụ của Hapro tại các khu vực, thị trường như: Bắc Giang, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Phát triển thị trường nội địa vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hapro
Song song với đó, công tác xuất khẩu chính là hoạt động được Hapro đặc biệt chú trọng. Cùng với một số đơn vị thành viên, TCT đã tận dụng cơ hội về mùa vụ, tập trung nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như: Hạt điều, hạt tiêu, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ,... đồng thời, tăng cường khai thác tìm kiếm nguồn hàng, xây dựng mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các đối tác, chân hàng vệ tinh để có nguồn cung hàng ổn định, giá cả cạnh tranh; duy trì thị trường truyền thống, một số khách lớn, trọng điểm như: Nhật, Mỹ, châu Âu; bên cạnh đó, nỗ lực tìm kiếm, phát triển và khai thác khách hàng và mặt hàng mới tại thị trường như: Tây Ban Nha; khu vực châu Phi, Đông Âu; Singapore; tổ chức nhiều đoàn khảo sát thị trường để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển mở rộng và thâm nhập sâu sang một số khu vực, thị trường ngách có tiềm năng như Angola, Mozambique, Nam Phi, Cuba,...
Có thể nói, năm 2015, vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, với những giải pháp cụ thể và hiệu quả, đặc biệt nhờ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Hapro đã hoàn thành vượt mức so với năm trước. Tổng doanh thu đạt 5.770 tỷ đồng, bằng 105% so với năm 2014; tổng kim ngạch XNK đạt 162 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 153,5 triệu USD, bằng 110% so với năm 2014; Thu nhập bình quân NLĐ tăng 5% so với năm 2014. Công tác cổ phần hóa cũng đã được TCT cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, TCT đã động thổ xây dựng Nhà máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Đồng Tháp; thành lập thêm Công ty CP Sản xuất chế biến XNK Điều Hapro Bình Phước, các sản phẩm điều sản xuất ra đều đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng có thể xuất khẩu toàn cầu. Ngoài ra, nhờ thực hiện tốt công tác bình ổn giá trong các năm qua, năm 2015, Hapro lại tiếp tục được TP. Hà Nội tin tưởng giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ với số vốn tạm ứng là 44,595 tỷ đồng và tham gia dự trữ 09 mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác bình ổn giá. Cũng trong năm qua, Hapro đã tổ chức được 150 chuyến bán hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố, góp phần không nhỏ vào thành công trong công tác đưa hàng Việt về nông thôn và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương phát động.
Trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, hàng hóa sẽ rất nhiều, các sản phẩm do các Công ty của Hapro sản xuất ra sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước trong khu vực và trên thế giới. Để giữ vững nhịp độ phát triển ổn định, đồng thời, hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, chủ trương của TCT là sẽ đầu tư mạnh mẽ vào hướng phát triển thị trường xuất khẩu. Một mặt sẽ tiếp tục phát triển thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, châu Âu, mở rộng ra những thị trường ngách như châu Phi, Trung Đông; mặt khác, tiếp tục đầu tư cho các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu của TCT tăng 15 – 20% so với năm 2015, duy trì duy trì tỷ trọng xuất khẩu với thương mại nội địa là 80:20.
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết: “Bên cạnh việc tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thì việc duy trì phát triển thị trường nội địa vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. TCT xác định thị trường bán lẻ hiện rất khó khăn nên cần phải tạo ra sự khác biệt. Hapro sẽ không đi vào mô hình các Trung tâm thương mại lớn mà tập trung vào các siêu thị vừa và các cửa hàng tiện ích phù hợp với mô hình hiện có của Hapro. Đồng thời, TCT cũng đang tìm kiếm những sản phẩm có tính khác biệt để đưa vào hệ thống siêu thị của mình, có như vậy thì các siêu thị Hapro mới có khách hàng riêng và mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững được”./.
Như Quỳnh