Chủ Nhật, 24/11/2024 11:20:05 GMT+7
Lượt xem: 3732

Tin đăng lúc 30-07-2015

Trung tâm KC & TVPTCN Bắc Ninh: Bắt đầu từ nhu cầu của thực tiễn

Tuy nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công của quốc gia và tỉnh còn khiêm tốn, nhưng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) và giải quyết tốt bài toán lao động nông thôn ở các làng nghề.
Trung tâm KC & TVPTCN Bắc Ninh: Bắt đầu từ nhu cầu của thực tiễn
Nghề gốm Phù Lãng (Quế Võ) được khôi phục và phát triển

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Bắc Ninh Trần Văn Hiện cho biết, năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã, phường, các công ty, DN, hợp tác xã… tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 300 lao động với các nghề: May công nghiệp, cơ khí… Hình thức đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu là đào tạo tại chỗ, gắn với các cơ sở sản xuất. Sau khóa học, các học viên được DN cam kết nhận vào làm việc với mức thu nhập trung bình từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Đặc biệt, thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên DHA Bắc Ninh, Công ty TNHH Trí Đức và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Công Thương - CCI mở 15 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 450 lao động. Sau khóa học, các học viên được DN nhận vào làm việc với mức thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm đã hỗ trợ 07 cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất cũng như sức cạnh tranh cho DN. Xây dựng 01 mô hình trình diễn - sản xuất đồ dùng và thiết bị trường học. Tổ chức 03 đoàn đi khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến công tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

 

Theo báo cáo tổng kết của Trung tâm, 6 tháng cuối năm 2014, Bắc Ninh đã tổ chức thêm 06 lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động trên địa bàn tham gia và phấn đấu mỗi năm đào tạo, truyền cấy nghề cho khoảng 1.500 - 2.000 lao động.

 

Trong công tác khuyến công, Trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với các DN, chủ động nắm bắt tình hình, cũng như kịp thời lắng nghe các nguyện vọng của họ để có những chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực. Đồng thời, với phương châm “cấy nghề phải bắt nguồn từ nhu cầu làm gia công cho DN cụ thể”, hàng năm, dựa trên nhu cầu của DN, tỉnh mới tổ chức các lớp đào tạo nghề để sau đào tạo người học nghề có việc làm liên tục.

 

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tìm hiểu, xây dựng các ngành nghề phù hợp đặc điểm từng địa phương để mở các lớp đào tạo, truyền nghề cho nông dân. Ở huyện Thuận Thành có truyền thống nghề tằm tơ thì đào tạo nghề dệt, may; Thị xã Từ Sơn hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nghề cơ khí, hay những nơi có nghề đan lát như huyện Gia Bình sẽ tập trung phát triển nghề mây, tre đan xuất khẩu. Việc khai thác được thế mạnh từng địa phương giúp cho công tác đưa nghề mới về nông thôn, đến các thôn làng hiệu quả hơn.

 

Đến nay, 100% lao động học nghề tại Bắc Ninh được cấp giấy chứng nhận “đã qua lớp đào tạo nghề”, trong đó hơn 80% lao động có việc làm tại các DN, số còn lại làm tại gia đình với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. 

 

Đặc biệt, để giúp các làng nghề nói riêng và ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, nhân cấy thêm nhiều nghề mới, đồng thời cung cấp nguồn LĐ cho các làng nghề, cơ sở sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nhân cấy nghề. 

 

Đáng ghi nhận ở Bắc Ninh là tại đây có nhiều nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như gốm Phù Lãng (Quế Võ), đúc đồng ở Đại Bái (Gia Bình), mây tre đan ở Lạc Vệ (Tiên Du) và Giang Sơn, may ở Lãng Ngâm (Gia Bình)... Nhờ vậy, đời sống của LĐ nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm.

 

Để thực hiện mục tiêu đào tạo, truyền, cấy nghề cho 1.500 - 2.000 LĐ mỗi năm; Tầm nhìn đến năm 2020, mỗi xã có ít nhất một làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Trung tâm đề ra nhiều biện pháp như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các ngành, các cấp và người LĐ nắm rõ chính sách của Nhà nước về hoạt động khuyến công. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các tổ chức, cá nhân có liên quan để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tổ chức thực hiện các nội dung chương trình; Tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình…

 

Năm 2015, chương trình khuyến công đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách là phải phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong chương trình đào tạo nghề cho người lao động, Trung tâm phối hợp với UBND các xã, phường, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tổ chức mở 12 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 360 LĐ bằng hình thức đào tạo tại chỗ; Hỗ trợ xây dựng từ 02 – 03 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; Hỗ trợ 03 cơ sở, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn; Phối hợp với Phòng Công Thương, Kinh tế, UBND xã, phường, cơ sở sản xuất tổ chức mở 15 lớp đào tạo nghề cho 450 lao động. Hình thức đào tạo  nghề, truyền nghề chủ yếu bằng hình thức tại chỗ, gắn với các cơ sở sản xuất may mặc, cơ khí, mộc dân dụng,... Tăng cường hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất; Tham gia chương trình hội chợ các cấp; Phối hợp hỗ trợ thông tin tuyên truyền, duy trì Website phục vụ công tác khuyến công; Tư vấn phát triển công nghiệp; Nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra từ nội dung đến hình thức…

 

Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các tổ chức Đoàn thể chính trị – xã hội và các tổ chức, cá nhân thúc đẩy hoạt động khuyến công. Nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, khuyến khích các hoạt động hỗ trợ ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Ngoài kinh phí quốc gia, tỉnh sẽ bố trí nguồn kinh phí đủ mạnh để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp địa phương thay đổi mô hình sản xuất, thay đổi công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị, quy trình sản xuất để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy manh công tác thi đua tuyên truyền, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Để công tác khuyến công tiếp tục hoạt động hiệu quả, Trung tâm kiến nghị Sở Công Thương Bắc Ninh tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng thêm nguồn kinh phí hoat động cho Trung tâm. Đề nghị Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực khuyến công cho các Trung tâm cấp tỉnh. Đề nghị Phòng Công Thương, Kinh tế các huyện thị, thành phố đẩy mạnh phối hợp hơn nữa công tác tư vấn phát triển công nghiệp để chương trình khuyến công có sự chuyển biến, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

 

Trần Văn Hiện

Giám đốc Trung tâm Khuyến công

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang