Trung tâm đã phối hợp với Phòng Công Thương huyện Vĩnh Tường, UBND xã Tuân Chính tổ chức nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất mộc” tại 02 cơ sở sản xuất Lê Văn Khánh và Thiều Thị Thúy Hiền – đây là một trong những cơ sở sản xuất sản phẩm đồ gia dụng từ gỗ trên địa bàn xã Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường).
Là những cơ sở mới được thành lập, vốn đầu tư cho sản xuất còn ít, máy móc chưa được đầu tư hiện đại, diện tích nhà xưởng còn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như đảm bảo sức khỏe của người lao động, đồng thời nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động của địa phương, cơ sở Lê Văn Khánh và cơ sở Thiều Thị Thúy Hiền đều mạnh dạn đầu tư thêm 02 dây chuyền máy móc thiết bị mới để phục vụ cho quá trình sản xuất (01 máy vanh, 01 máy đa năng). Sau khi đã hoàn thành đẩy đủ hồ sơ thủ tục Đề án xin hỗ trợ nguồn vốn khuyến công, Trung tâm KC&TVPTCN đã tiến hành nghiệm thu đề án hỗ trợ cơ sở đầu tư mua sắm máy móc thiết bị sản xuất.
Máy sản xuất mộc
Sau khi đưa máy móc vào sử dụng, cơ sở Lê Văn Khánh dự kiến doanh thu là 1,2 tỷ đồng/năm, quy mô sản phẩm 5m3 gỗ/tháng, tạo việc làm ổn định cho 04 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Với cơ sở Thiều Thị Thúy Hiền dự kiến doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm, quy mô sản phẩm 6m3 gỗ/tháng, tạo việc làm ổn định cho 04 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng trên địa tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp với phòng Công Thương huyện Lập Thạch, UBND xã Hợp Lý và cơ sở sản xuất Triệu Thị Nga, tiến hành nghiệm thu đề án “Hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hương xuất khẩu”.
Máy sản xuất hương xuất khẩu
Xuất phát từ chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các cơ sở sản xuất làm ra hàng hoá, sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngoài nước, được sự tư vấn giúp đỡ hỗ trợ kinh phí của Trung tâm KC&TVPTCN Vĩnh Phúc, Cơ sở sản xuất Triệu Thị Nga đã mạnh dạn đầu tư thêm 10 máy bắn hương tự động để nâng cao chất lượng hương, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự khiến công suất sản phẩm đạt 80 tấn/tháng, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, với mức lương ổn định 3 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh các cơ sở trên, Trung tâm đã phối hợp với phòng Công Thương huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và hai cơ sở sản xuất mộc là cơ sở Nguyễn Văn Yên và cơ sở Nguyễn Văn Nhất tiến hành nghiệm thu đề án “Hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất mộc”.
Máy sản xuất mộc
Anh Nguyễn Văn Yên và anh Nguyễn Văn Nhất xuất phát từ người thợ đi làm thuê sau khi tay nghề đã có đã về mở xưởng sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình nên ban đầu cơ sở có trang thiết bị còn thô sơ và cơ sở vật chất chưa được đầu tư trang bị, các đơn đặt hàng chủ yếu là các hộ gia đình trong xã, nhưng lấy chất lượng và uy tín đặt lên hàng đầu hai anh đã có nhiều đơn đặt hàng quy mô lớn ở các nơi khác trong và ngoài tỉnh. Năm 2015 hai anh đã bắt tay xây dựng lại nhà xưởng và đầu tư thêm máy móc thiết bị. Cụ thể cơ sở Nguyễn Văn Yên đã quyết định đầu tư thêm máy rong và máy cuốn; cơ sở Nguyễn Văn Nhất đầu tư máy đa năng và máy cuốn.
Việc đầu tư mới máy móc thiết bị đã giải phóng sức lao động, vận hành an toàn hơn cho người công nhân, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, độ chính xác cao và tạo ra công suất sản xuất lớn. Sau khi đưa máy móc vào sử dụng cơ sở Nguyễn Văn Yên dự kiến doanh thu 3,5 tỷ đồng/năm, quy mô sản phẩm 90m3/tháng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Với cơ sở Nguyễn Văn Nhất dự kiến doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm, quy mô sản phẩm 20m3/tháng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo kế hoạch khuyến công đã được phê duyệt, cũng trong tháng 7/2015, vừa qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp với phòng Công thương huyện Yên Lạc và UBND Thị trấn Yên Lạc tiến hành nghiệm thu đề án hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất trạm khắc gỗ tại cơ sở sản xuất mộc Triệu Thị Thơm.
Được biết chương trình khuyến công có nội dung hỗ trợ kinh phí mua máy móc thiết bị cho các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cơ sở sản xuất của chị Triệu Thị Thơm đã đề nghị xin hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công đầu tư mua sắm máy móc thiết bị mới với Trung tâm KC&TVPTCN Vĩnh Phúc.
Máy trạm khắc gỗ của cơ sở Nguyễn Văn Nhất
Cơ sở đã mạnh dạn đầu tư mua thêm máy trạm khắc gỗ 12 đầu đục. Việc đầu tư mới máy móc thiết bị đã giải phóng sức lao động, vận hành an toàn hơn cho người công nhân, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, độ chính xác cao. Sau khi đưa máy móc vào sử dụng, cơ sở dự kiến tăng doanh thu năm 2015 đạt 4 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Tại các buổi nghiệm thu, hầu hết cơ sở đều có kiến nghị với Trung tâm khuyến công và chính quyền địa phương trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ cơ sở mở rộng diện tích sản xuất, giải quyết được vấn đề môi trường, đảm bảo điều kiện an toàn cho người lao động và dân cư sống ở khu vực xung quanh.
Bùi Thanh Bình