Quy trình rải dây bằng UAV diễn ra hết sức thông minh và hiệu quả:
Bước 1: UAV được trang bị để rải dây dẫn có đường kính 2mm.
Bước 2: Dây 2mm này sẽ được sử dụng làm "cầu dẫn" để kéo dây dẫn có đường kính 10mm.
Bước 3: Dây 10mm tiếp tục làm nhiệm vụ kéo dây thừng công nghệ, từ đó kéo thành công dây dẫn chính của đường dây 500kV.
Những lợi ích vượt trội mà công nghệ UAV mang lại đó là: Tiết kiệm thời gian và công sức; việc rải dây bằng UAV giúp giảm thiểu đáng kể sức lao động của công nhân, đặc biệt tại những địa hình phức tạp như núi cao, sông suối, giúp nâng cao hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, UAV hoạt động chính xác và nhanh chóng, giúp tăng năng suất lao động và rút ngắn thời gian thi công; giảm thiểu rủi ro cho người lao động khi làm việc ở những vị trí nguy hiểm. UAV giúp rải dây chính xác, đảm bảo chất lượng công trình.
Chuẩn bị sẵn sàng bay thực hiện nhiệm vụ
Ông Nguyễn Văn Giang - Giám đốc TTĐ Hòa Bình cho biết: "Việc ứng dụng UAV trong công tác rải cáp mồi không chỉ là một ứng dụng về công nghệ mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Truyền tải điện Hòa Bình trong việc nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hệ thống điện. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai, UAV sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo trì, sửa chữa và xây dựng lưới điện quốc gia."
Thành công này mở ra nhiều triển vọng mới cho việc ứng dụng UAV trong ngành Điện nói chung và trong quản lý vận hành đường dây Truyền tải điện nói riêng. Trong tương lai, UAV có thể được sử dụng để kiểm tra đường dây, phát hiện sự cố hoặc thậm chí là thực hiện các công việc sửa chữa, xây lắp đường dây cao áp. Đặc biệt, việc đầu tư vào công nghệ hiện đại đã không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho người lao động.
Mạnh Hùng