Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có kinh nghiệm làm việc với các Tập đoàn đa quốc gia, tuy nhiên, hệ thống quản lý và hoạt động cải tiến còn khoảng cách khá xa với yêu cầu của các nhà lắp ráp ô tô. Chính vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước khắc phục, hạn chế những bất cập còn tồn tại, VASI đã đề xuất Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện dự án này.
Theo đó, Toyota Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ triển khai hai hoạt động chính gồm:
Theo kế hoạch, sẽ có 5 công ty thuộc VASI được hỗ trợ chính thức năm 2023 gồm: Phong Nam; Cơ khí Bình Minh; Phenikaa điện tử; Việt Nhật HTVJ và Technokom. Ba doanh nghiệp đóng vai trò quan sát viên gồm: JAT, Innotek, Nhựa Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trước cuộc cách mạng 4.0, người ta so sánh trình độ phát triển công nghiệp mỗi quốc gia bằng cách lấy ra ba ngành gồm ô tô, điện tử và hoá chất. Trong đó, ngành ô tô là ngành tâm điểm nhất bởi đó là nơi kết hợp, chọn lọc tất cả tinh tuý của các công nghệ, các loại phương thức sản xuất và đặc biệt là các phương thức quản trị hiện đại.
“Toyota Việt Nam là công ty đầu chuỗi đầu tiên hợp tác với VASI để hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước, hướng tới nâng cao năng lực, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp đó với các nhà lắp ráp ô tô. Chúng tôi cũng đã cố gắng chọn ra 8 thành viên tinh tuý nhất về mọi phương diện của VASI, hy vọng họ có thể nhận được từ Toyota những kiến thưc, kinh nghiệm về kỹ nghệ quản trị, văn hoá quản trị và triết lý quản trị của Toyota để đưa vào từng thành viên, lan toả trong hiệp hội với hơn 300 thành viên” – ông Tuất cho hay.
Cũng tại lễ ký kết, ông Phạm Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam cam kết sẽ dành sự quan tâm, các nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự án và luôn đặt mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng là hoạt động cốt lõi, cần được duy trì và mở rộng.
Dự án này sẽ được triển khai từ năm 2023 đến năm 2024. Chương trình được kỳ vọng sẽ hình thành các đầu mối thực hiện chia sẻ lại kiến thức, kinh nghiệm đã được tiếp thu, lan tỏa tới các doanh nghiệp khác trong cộng đồng.
Trước đó, vào ngày 04/07/2023, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam đã ký kết lần thứ tư Biên bản ghi nhớ và triển khai chương trình tìm kiếm và hỗ trợ phát triển năng lực cho các nhà cung cấp chưa thuộc hệ thống các nhà cung cấp của Toyota. Sau 3 năm triển khai, các nhà cung cấp được Toyota hỗ trợ đã ghi nhận kết quả rất khả quan như: Giảm diện tích nhà máy và tồn kho, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động… Bên cạnh đó, Toyota đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung cấp tiềm năng. Đặc biệt, từ năm 2023, các đơn vị đã được hỗ trợ trước đó sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Toyota để chia sẻ kiến thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp mới.
Như Trang