Nắm bắt xu hướng đúng đắn này, Công ty TNHH Cơ khí chính xác, Dịch vụ và Thương mại Việt Nam (VPMS) được thành lập năm 2006 đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tập trung đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Qua đó, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu của mình, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành CNHT ô tô nước nhà.
VPMS có trụ sở nhà máy đặt tại Lô C6 cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) chuyên sản xuất, đúc áp lực nhôm các sản phẩm CNHT về linh kiện ô tô theo đơn đặt hàng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở cả trong và ngoài nước. Nhà máy sản xuất của Công ty được đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền máy móc thiết bị đồng bộ theo công nghệ Nhật Bản với hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn thế, nhờ có ban lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm được đúc kết qua quá trình làm việc thực tế nhiều năm tại các công ty Nhật Bản, kết hợp với đội ngũ kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề, nên VPMS luôn tự tin đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, tiến độ, dịch vụ khách hàng.
Bởi vậy, tuy là một doanh nghiệp trẻ và có quy mô vừa phải, nhưng VPMS đã nhanh chóng trở thành đối tác cung cấp nguồn hàng phụ trợ ô tô uy tín cho nhiều khách hàng lớn. Đặc biệt hiện nay, các sản phẩm CNHT phục vụ ngành ô tô do Công ty sản xuất như: Phụ kiện phanh, hộp số, trục dẫn hướng, bộ phanh đĩa, cùng các khuôn đúc áp lực, khuôn ép cao su, khuôn ép nhựa, khuôn đột dập và khuôn dập… đã được các công ty thuộc hệ thống của Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, DENSO Việt Nam, Toyoda Gosei Hải Phòng đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô của VPMS còn được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Nhật Bản, Mexico, Thái Lan… Chính từ việc trở thành đối tác sản xuất linh kiện phụ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn nên VPMS đã chiếm giữ vị trí quan trọng trong ngành CNHT Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân từ 30 – 40%/năm, cũng như tạo việc làm ổn định cho 259 lao động.
Các sản phẩm do VPMS sản xuất luôn đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng
Ông Nguyễn Xuân Huy – Giám đốc VPMS cho biết: Những năm gần đây, xu hướng trên thế giới về chuyển đổi sản xuất linh kiện ô tô từ kim loại nặng sang nhôm hợp kim ngày càng tăng bởi các ưu điểm: Nhẹ, bền, thẩm mỹ cao, mẫu mã đa dạng và giá thành rẻ hơn. Đặc biệt, với công nghệ đúc áp lực nhôm tiên tiến đã giúp Công ty chúng tôi có thể đúc được các chi tiết, linh kiện ô tô có độ phức tạp và yêu cầu kỹ thuật rất cao. Nhờ đó, VPMS đã trở thành đối tác sản xuất phụ tùng chất lượng cao cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở cả trong và ngoài nước. Hiện nay, công suất của Nhà máy chúng tôi cho ra đời hơn 105 tấn thành phẩm linh kiện các loại mỗi năm để cung cấp cho thị trường (tương đương khoảng 500 tấn sản phẩm nguyên liệu).
“VPMS có được thành công như ngày hôm nay cũng là nhờ sự chuẩn bị tốt về mặt nhân lực để phù hợp, thích ứng với các đối tác doanh nghiệp. Công ty luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như tiến độ giao hàng theo đúng cam kết. Mặt khác, trên bình diện tổng thể của ngành CNHT Việt Nam, các sản phẩm linh kiện, phụ tùng do VPMS sản xuất cũng đang góp phần ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Đồng thời, tạo ra việc làm ổn định cho người lao động, cũng như tạo dựng môi trường giúp người lao động có khả năng sáng tạo trong công việc”... ông Nguyễn Xuân Huy nhấn mạnh thêm.
Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã phải trải qua nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng những doanh nghiệp CNHT như VPMS vẫn nỗ lực vượt khó, đảm bảo duy trì sản xuất, phục vụ khách hàng. Chính từ những nỗ lực đó đang góp phần vào thành quả chung của ngành CNHT ô tô Việt Nam nói riêng và ngành Công nghiệp cả nước nói chung.
Sản phẩm linh kiện, phụ tùng do VPMS sản xuất đang góp phần ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành CNHT ô tô trong nước
Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 sẽ đạt trung bình khoảng 800 – 900 nghìn xe và đến năm 2030 đạt khoảng 1,5 – 1,8 triệu xe/năm, do vậy, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thi toàn bộ thị trường xe con tại Việt Nam là xe nhập khẩu; Xe khách và xe tải nhập khẩu 50% và 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 sẽ là 21 tỷ USD.
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Thời gian tới, để ngành CNHT ô tô Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai chương trình phát triển CNHT. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, như: Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước...”.
Tin tưởng rằng, với hướng đi rộng mở, thương hiệu ngày một khẳng định, kết hợp với việc được Chính phủ và Bộ Công Thương có nhiều chính sách đãi ngộ, VPMS cùng nhiều doanh nghiệp CNHT khác sẽ chinh phục được thị trường, nhất là góp phần tham gia vào mạng lưới sản xuất phụ trợ toàn cầu, xóa nhòa những “điểm nghẽn” của ngành công nghiệp ô tô trong nước hiện nay.
Lê Tuấn