Theo Tổng cục Hải quan, KNXK hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10-2016 đạt gần 7,26 tỷ USD, giảm 14,6% (tương ứng giảm hơn 1,24 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9-2016. Tính chung, đến hết ngày 15-10-2016 KNXK của cả nước đạt 135,78 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là kết quả thấp so với mục tiêu đã đề ra và là một diễn biến gần như tương tự với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng ngại là, đã có sự biến động, suy giảm khá mạnh đối với một số nhóm hàng quan trọng như gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, hàng dệt may... Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - vốn là "đầu tàu" xuất khẩu cũng đang trong xu hướng giảm.
Như vậy, nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì khu vực này sẽ không thể bù đắp cho kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng như hạn chế phần đóng góp của mình vào tổng KNXK của cả nước nói chung. Bởi từ đầu năm đến nay, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Thiên tai, biến đổi khí hậu, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng, tổng KNXK cả năm có thể chỉ tăng trên dưới 7%, tức thấp hơn hẳn so với kế hoạch là tăng 10%. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình hình xuất khẩu không mấy sáng sủa khi KNXK vào ASEAN giảm 10%, thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng...
Thực tế cho thấy, cơ cấu hàng xuất khẩu của ta phần lớn là hàng gia công cũng như hướng tới một số thị trường truyền thống. Nếu những đối tác này giảm sức mua chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động xuất khẩu. Các chuyên gia phân tích rằng, kết quả xuất khẩu phụ thuộc nhiều điều kiện, ẩn chứa diễn biến khó lường, phức tạp không thể tính trước và sẽ trở thành nỗi thất vọng khi xảy ra.
Trước hết, xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào sức mua, diễn biến của thị trường quốc tế, nên đương nhiên nằm ngoài khả năng, mong muốn thuần túy của doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, giá trị xuất khẩu dầu thô của nước ta đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước chỉ với lý do duy nhất là giá dầu giảm, “neo” ở mức thấp từ đầu năm đến nay.
Thực tế còn cho thấy, việc hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu đang ngày càng trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn 5 năm trước. Trước hết, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gạo, than đá, dầu thô, cà phê đã được khai thác tới hạn, hết dư địa để khai thác và tăng trưởng mạnh. Tiếp theo, diễn biến kinh tế quốc tế, đặc biệt là tại các đối tác nhập khẩu hàng Việt hiện vẫn chưa hồi phục, hoặc hồi phục chậm hơn nhiều so với dự tính chủ quan của cơ quan quản lý.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cũng đến lúc cần quan tâm đến cách lập kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; nhất là đối với xuất khẩu, bởi kết quả phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan. Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ, cơ quan chức năng nên tăng cường năng lực dự báo, chủ động đưa ra mức tăng trưởng xuất khẩu phù hợp hơn, nhất là không nên ấn định mục tiêu năm sau phải tăng 10% so với năm trước như nhiều năm gần đây.
Theo Hanoimoi