Thứ Sáu, 26/04/2024 07:43:51 GMT+7

Tin đăng lúc 26-08-2015

Lượt xem: 4389

Cần Thơ: Thành phố công nghiệp trước năm 2020

Cần Thơ hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 trong khi quỹ thời gian vật chất chỉ còn hơn 4 năm nữa. Làm gì để về đích, trở thành thành phố đồng bằng, cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đang là thách thức lớn mà "Tây Đô" phải vượt qua.
Cần Thơ: Thành phố công nghiệp trước năm 2020
Một góc thành phố Cần Thơ

"Cần Thơ phấn đấu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020” là mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị. Nhưng đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chí chính thức để đánh giá, công nhận một tỉnh công nghiệp hay thành phố công nghiệp.

 

Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập Báo cáo nghiên cứu Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam, gồm 18 chỉ tiêu, được chia thành 2 nhóm: Kinh tế (6 chỉ tiêu) và nhóm văn hóa, xã hội, môi trường (12 chỉ tiêu). Theo đó, việc xác định tỉnh công nghiệp không nhất thiết phổ cập cho tất cả các địa phương trong cả nước. Mỗi tỉnh có thế mạnh và đặc thù riêng, nên có thể xây dựng kế hoạch phát triển theo điều kiện riêng của mình.

 

Trong bối cảnh đó, một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ... đã xây dựng, ban hành “Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp” và chỉ đạo thực hiện. Cần Thơ có thể tham khảo để nghiên cứu xây dựng cho phù hợp yêu cầu của một thành phố đồng bằng trực thuộc Trung ương. Theo đó, cần lựa chọn ra một số chỉ tiêu định lượng có thể tính toán được; đồng thời, có phần định tính cho nội hàm “cơ bản trở thành thành phố công nghiệp”.

 

Có thể nói, Cần Thơ không có con đường nào khác là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh, nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững, phát huy lợi thế trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, chủ động hội nhập quốc tế. Trong ngắn hạn, Cần Thơ cần nỗ lực tập trung cho các khâu đột phá: Nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm vùng.

 

Hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ cần phải tính đến cho thành phố gồm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục ưu tiên phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm vùng; tập trung cho một số ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đô thị hóa; tạo môi trường đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh qua các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (năng lực quản trị hành chính công cấp tỉnh), đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh.

 

Hai nhóm giải pháp kèm theo chính sách ưu tiên hàng đầu cần được Cần Thơ xem xét.

 

Một là, đầu tư tạo nguồn lực mới cho phát triển, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lực mới đến từ cải cách thể chế (tận dụng từ cải cách thể chế từ Trung ương và nỗ lực của thành phố).

 

Hai là, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực (có thể là công nghiệp chế tạo công cụ phục vụ nông nhiệp qua hợp tác với Hàn Quốc với Vườn ươm công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ, hợp tác với Nhật Bản xây dựng Làng doanh nghiệp Nhật tại Cần Thơ); đồng thời, phát triển đồng bộ ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng.

 

Các giải pháp này phải là kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, mang tính then chốt để đạt được các tiêu chí “thành phố công nghiệp”.

 

Cần Thơ không có con đường nào khác là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh, nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững, phát huy lợi thế trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang