Thứ Hai, 29/04/2024 01:21:49 GMT+7

Tin đăng lúc 17-08-2016

Lượt xem: 2853

CNTT đang "thông minh hóa" nông nghiệp, giao thông, đô thị

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đã và đang "thông minh hóa" nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, giao thông, nhà thông minh... cho đến đô thị thông minh và quốc gia thông minh.
CNTT đang "thông minh hóa" nông nghiệp, giao thông, đô thị
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, ngành TT&TT đã được ghi nhận là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới

Đây chính là một trong những thành tựu nổi bật của ngành Thông tin & Truyền thông trong thời gian qua, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, tại Hội thảo khoa học "Thành tựu và định hướng phát triển của ngành TT&TT" sáng 16/8.

 

Từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh, trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, ngành Thông tin và Truyền thông đã trở thành một Ngành: vững về chính trị, mạnh về kinh tế; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao về quy mô, doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn; công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả.... "Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã ghi nhận Ngành Thông tin và Truyền thông là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.

 

"Có thể nói, sự hội tụ của cả 5 lĩnh vực của Ngành, trong đó lấy CNTT-TT làm nền tảng, đang diễn ra rất mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước như đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng thông tin phù hợp lợi ích của xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân và chủ quyền số quốc gia…", ông nói.

 

Hướng tới phát triển bền vững

 

Thực tế đã cho thấy, lĩnh vực CNTT - TT là một trong những lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ ở mức rất cao, với tốc độ phát triển vượt bậc mà nhiều người khó hình dung được hết. Chỉ mới 5 năm trước, những khái niệm như SMAC (Mạng xã hội, Di động, Phân tích dữ liệu, Đám mây), Internet của vạn vật... vẫn còn tương đối xa lạ, nhưng hiện đã trở nên quen thuộc và thậm chí còn trở thành xu hướng tất yếu. Internet, smartphone và các công nghệ số đã đi vào mọi mặt đời sống hàng ngày của mọi người.

 

Tuy vậy, như phân tích của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, những thách thức mà ngành TT&TT đang phải đối mặt cũng không hề nhỏ. Mạng lưới bưu chính còn manh mún, phân tán, chất lượng dịch vụ chưa cao, dịch vụ chưa đa dạng; Kết cấu hạ tầng viễn thông hiện đại nhưng chưa thực sự đồng bộ, đầu tư còn chồng lấn, các doanh nghiệp ít chịu chia sẻ, dùng chung hạ tầng, chất lượng dịch vụ còn chưa thỏa mãn được người dùng;

 

Đối với lĩnh vực CNTT, điểm yếu dễ nhận thấy chính là công nghiệp CNTT phát triển còn manh mún, thiếu công nghiệp hỗ trợ, không có sản phẩm đặc thù tiêu biểu cho Việt Nam và có sức cạnh tranh quốc tế. Ngoại trừ các dự án FDI lớn, doanh nghiệp CNTT nội cạnh tranh khá chật vật và thường ít "ôm mộng toàn cầu hóa". Mức độ ứng dụng CNTT trong xã hội, cơ quan nhà nước còn yếu. Đặc biệt, từ những vụ việc gần đây như tin tặc tấn công Vietnam Airlines hay sự cố khách hàng mất tiền tại Vietcombank, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng đã để lộ nhiều lỗ hổng, điểm yếu. Trong khi thủ đoạn của tin tặc ngày càng tinh vi, nguy hiểm thì đa số doanh nghiệp, CQNN vẫn còn chủ quan, thờ ơ với An toàn thông tin. Nhiều hãng máy tính nước ngoài thậm chí đã cài phần mềm gián điệp vào trong sản phẩm bán ra thị trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh rất cao.

 

Xác định ngành TT&TT luôn gắn chặt với sự phát triển của công nghệ cao, đổi mới công nghệ liên tục, định hướng phát triển ngành trong giai đoạn 2016-2020 là phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện, chặt chẽ nhưng thông thoáng, tạo điều kiện cho cả 5 lĩnh vực bưu chính, CNTT, viễn thông, báo chí, xuất bản phát triển. Đặc biệt, các chính sách phải xây dựng được một môi trường cạnh tranh theo đúng quy định, minh bạch hóa, bình đẳng và công khai giữa các doanh nghiệp; đảm bảo cho doanh nghiệp quyền tiếp cận bình đẳng với thị trường. Chỉ có như vậy, thị trường mới có thể phát triển một cách bền vững.

 

Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp chủ lực vươn lên trở thành thương hiệu quốc gia của Việt Nam, tiến ra khu vực; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp điện tử Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp phụ kiện.... Phát triển, ưu đãi những ngành Việt Nam có thế mạnh như phần mềm, dịch vụ và nội dung số....

 

Đặc biệt, cần đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin trọng yếu, tăng cường tổ chức diễn tập, ứng phó kịp thời sự cố bảo mật, hướng tới xây dựng một chiến lược ATTT quốc gia....

 

Đối với lĩnh vực báo chí, sẽ tập trung đặt hàng những cơ quan báo chí có thương hiệu tốt, tăng thời lượng tự sản xuất kênh chương trình PTTH phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền của quốc gia và địa phương...

 

T.C

Sự phát triển vượt bậc của ngành TT&TT tại Việt Nam được thể hiện rõ nét qua những con số trong báo cáo của Viện chiến lược được công bố tại Hội thảo. Doanh thu dịch vụ bưu chính toàn ngành năm 2015 đạt khoảng 700 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới trong suốt 10 năm qua. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đã đạt 95% diện tích, tổng số thuê bao điện thoại hiện có trên 131 triệu máy, cao gấp 10 lần so với năm 2005; cả nước có hơn 45 triệu người sử dụng Internet, chiếm một nửa dân số. Doanh thu viễn thông năm 2015 đạt hơn 17 tỷ USD, lợi nhuận hàng năm khoảng 2.5 tỷ USD....

Thị trường dịch vụ viễn thông và Internet trong nước được quy hoạch khá tốt với khoảng 25 doanh nghiệp đã được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và hơn 90 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Không chỉ làm chủ thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã đầu tư ra nhiều nước khác như Lào, Campuchia, Myanmar, Mozambique, Peru, Tanzania...

Tương tự, Công nghiệp CNTT cũng đang là một điểm sáng trong bức tranh phát triển của ngành TT&TT với kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ USD. Nhiều tập đoàn quốc tế như Samsung, LG, Panasonic, Intel, Canon... liên tục mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam với những dự án tỷ USD.

 

 

Nguồn: Vietnamnet


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang