Thứ Sáu, 26/04/2024 21:59:39 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2015

Lượt xem: 10614

Công Thương Bắc Giang: Xứng đáng là ngành kinh tế động lực của tỉnh

Bắc Giang nằm trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn thủy điện dồi dào, khoáng sản phong phú, có khả năng phát triển mạnh công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim và chế biến nông, lâm.
Công Thương Bắc Giang:  Xứng đáng là ngành kinh tế động lực của tỉnh
Sở Công Thương Bắc Giang

Trong những năm qua, ngành Công Thương Bắc Giang luôn có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương các tỉnh trong việc tham khảo, trao đổi thông tin phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh, nhằm khai thác tối đa lợi thế trên các tuyến hành lang kinh tế: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

 

Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có xu thế chậm dần. Song bằng nhiều biện pháp, ngành Công Thương đã tham mưu đề xuất cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, chủ động xây dựng quy hoạch, tích cực cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh... Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 12.416 tỷ đồng, năm 2011 đạt 19.866 tỷ đồng, tăng 60%. Năm 2014 đạt khoảng 47.209 tỷ đồng tăng 21,72%, năm 2015 ước thực hiện đạt 58.660 tỷ đồng tăng 24,25%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 36,4% vượt so với kế hoạch đã đặt ra là 33,5%, tăng cao hơn giải đoạn 2006 – 2010 là 4,4% (32%).

 

Mặc dù phải đương đầu với hàng loạt những khó khăn, trở ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song công nghiệp tỉnh Bắc Giang vẫn có được những kết quả tăng trưởng khả quan, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các sản phẩm công nghiệp cũng ngày càng phong phú, đa dạng, đặc biệt là nhóm hàng thiết bị điện tử tin học, may mặc và phân bón hóa chất. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn giữ được sản xuất ổn định như Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động, Tập đoàn Wintex, Công ty TNHH Fuhong, Công ty NewHope Việt Nam, Công ty Jung Bu... đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất chung cho toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

 

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành 34 cụm công nghiệp với diện tích 733 ha đã thu hút được 233 dự án, đã đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 4.073,7 tỷ đồng, trong đó đã có 160 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số vốn thực hiện đầu tư ước đạt 3.600 tỷ đồng, chiếm 88,3%/tổng vốn đăng ký. Có 66 dự án đang tiến hành hoàn thiện đầu tư.

 

Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển, với 435 làng có nghề trong địa bàn, hoạt động chủ yếu về chế biến nông, lâm sản từ các nguồn nguyên liệu sẵn có của tỉnh. Hiện đã có 39 làng nghề, trong đó 14 làng nghề truyền thống và 25 làng nghề, thu hút được 5.686 hộ làm nghề/12.139 tổng số hộ, có 17.823 nhân khẩu tham gia làm nghề.

 

Hoạt động thương mại cũng được ngành Công Thương quan tâm phát triển, trước diễn biến phức tạp của giá cả thị trường hàng hóa, Sở đã thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách điều hành phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa. Phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn, xác định nhu cầu và xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt trong các dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra hiện tượng tăng giá do thiếu hàng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2010 đạt 7.490 tỷ đồng, năm 2011 đặt 9.540 tỷ đồng, năm 2015 ước thực hiện đạt 17.200 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 17,2%/năm.

 

Công tác quản lý thị trường ngành Công Thương đã được ngành tích cực chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá... Tình hình vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng ngoại nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng không niêm yết giá và gian lận thương mại vẫn diễn ra nhưng không có các tụ điểm vi phạm lớn, phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tình trạng vận chuyển, kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đã được kiểm soát. Từ năm 2011 đến tháng 9/2014 lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý: 5.478 vụ, tổng số tiền thu nộp kho bạc Nhà nước: 29.142.978.000 đồng (gồm tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán hàng tịch thu).

 

Hiện nay, Bắc Giang đã và đang phát huy mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: công nghiệp may xuất khẩu, điện – điện tử, chế biến nông sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng và hóa chất... đây là những ngành tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp truyền thống như phân bón, sản phẩm may mặc, đã phát triển thêm một số sản phẩm mới có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh như điện, điện tử, máy tính và phụ kiện... bước đầu hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, đã thu hút được một số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thiết bị điện tử như: Dự án nhà máy sản xuất, gia công linh kiện máy móc chế tạo Yoshimura Kogyo Việt Nam. Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Daeyang – Bắc Giang...

 

Trước tình hình thực tế hiện nay, Ngành Công Thương đã chủ động xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án, các cơ chế, chính sách góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn nhất là trong các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án... Đồng thời, định kỳ rà soát toàn bộ các dự án đầu tư đã được cấp phép trên địa bàn để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành như: Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quy định hỗ trợ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quy chế quản lý bảo quản vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quy chế xét công nhận làng nghề, xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang; Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang. Những giải pháp đó đã góp phần quan trọng, giúp cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời định hướng và có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng KT-XH cho Bắc Giang, xứng đáng là ngành kinh tế động lực của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

 

Út Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang