Thứ Bẩy, 27/04/2024 21:56:24 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2017

Lượt xem: 4968

Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết về an toàn thực phẩm

Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” với các yêu cầu khắt khe là một giải pháp để quản lý tốt chất lượng truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện tại và là công việc cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân.
Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết về an toàn thực phẩm
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến tháng 9/2016, cả nước đã có 45 địa phương có mô hình liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong tổng số 382 chuỗi thực phẩm an toàn, có 92 chuỗi được cấp giấy xác nhận. Sản phẩm an toàn chủ yếu gồm rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại... Ngoài ra, còn có các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như TH True Milk, VinGroup… Con số này còn rất hạn chế vì theo các chuyên gia, để nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người dân vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là khâu kết nối giữa các bên trong chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.

 

Đối với thị trường xuất khẩu, theo khảo sát của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc, VN xếp trong nhóm 3 quốc gia có sản phẩm cá và từ cá bị từ chối nhập khẩu cao nhất trong thị trường Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Australia, thiệt hại tài chính ước tính trung bình khoảng 14 triệu USD mỗi năm, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của VN như rau quả, thủy sản cũng có tỷ lệ bị từ chối cao tại các cửa khẩu của nhiều nước phát triển trên thế giới. Nguyên nhân hàng đầu khiến sản phẩm xuất khẩu của VN bị từ chối nhập khẩu là nhiễm khuẩn, bên cạnh đó còn do các nguyên nhân khác như dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản vượt quá quy định của thị trường nhập khẩu, các điều kiện kiểm soát vệ sinh và vấn đề dán nhãn không đảm bảo, hay sản phẩm chứa chất gây ô nhiễm môi trường.

 

Những con số trên cho thấy vấn đề về ATTP đã trở nên báo động tại Việt Nam và đang trở thành vấn nạn. Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm đảm bảo chất lượng lại khiến người tiêu dùng lo lắng như hiện nay. Hầu hết số cơ sở được xác nhận an toàn còn quá ít do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ý thức trách nhiệm của một số cơ sở kinh doanh nông sản an toàn chưa cao, trong đó có việc thiếu liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối đang là những điểm nghẽn trong việc nhân rộng các mô hình “thực phẩm sạch”.

 

Đa phần người tiêu dùng khi được hỏi đều cho rằng vấn đề vệ sinh ATTP hiện nay làm cho họ cảm thấy băn khoăn, thay vì việc mua thực phẩm ở ngoài chợ không rõ nguồn gốc như trước đây, thì hiện nay họ chấp nhận mua thực phẩm tại những “địa chỉ xanh” bán nông sản an toàn do Bộ NN&PTNT tổ chức, dù giá cả đắt hơn bên ngoài.

 

Tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm – Câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau”  được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, ông Florian Beranek, chuyên gia chính về Trách nhiệm xã hội của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc cho rằng, cần minh bạch trong quá trình sản xuất để người tiêu dùng an tâm khi chọn lựa thực phẩm: “Sự tổng hợp của quá trình sản xuất thức ăn, phân phối, chế biến thức ăn, bán lẻ thức ăn hay sự chuẩn bị chuyên nghiệp trong các nhà hàng là cần thiết phải minh bạch, sự minh bạch là một trong những chìa khóa giúp cải thiện kinh doanh ở VN, đây là nhân tố quan trọng để cải thiện sự bền vững của ATTP”.

 

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN, tại thị trường trong nước, VSATTP cũng đang là vấn đề nhức nhối, nhiều sản phẩm khi cung cấp ra thị trường không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về VSATTP, các nhà phân phối, bán lẻ có vai trò ngày càng lớn trong việc đảm bảo chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết giữa các nhà sản xuất chế biến với nhà phân phối, bán lẻ còn lỏng lẻo.

 

Cũng theo bà Loan: “Chúng ta cứ hình dung là nếu nhà sản xuất cố gắng hết sức để có sản phẩm sạch đến những người bán lẻ mà lại không có kiến thức về bảo quản, giữ gìn cho sản phẩm được tươi ngon, được sạch, được an toàn thì chắc chắn chúng ta không thể có được thực phẩm sạch. Trong quá trình của mình, các DN bán lẻ có thời gian dài để bảo quản hàng hóa trước khi đưa ra với người tiêu dùng, tuy nhiên giai đoạn bảo quản này là vô cùng quan trọng, làm sao để vẫn giữ được hàng hóa an toàn, vệ sinh một cách tốt nhất thì rất quan trọng”.

 

Hiện nay, một trong những lý do mà chất lượng nông sản của nước ta thấp là do công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được áp dụng hiệu quả, dù sẵn sàng chuyển giao công nghệ, công thức bảo quản cho các DN có nhu cầu, nhưng có ít DN quan tâm vì lo ngại về khả năng thu hồi vốn.

 

Để người tiêu dùng có thể sử dụng thực phẩm an toàn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt, các nhà sản xuất, phân phối phải liên kết sản xuất với nhau để chung tay xây dựng nền thực phẩm an toàn, minh bạch. Bên cạnh sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, nhà sản xuất, phân phối phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn một cách tự giác, trung thực và cung cấp thông tin một cách minh bạch rõ ràng về các sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

 

Thực phẩm an toàn đang là một trong các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay, việc có thêm các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện tại và là nhu cầu tất yếu của người dân. Để làm được điều này, rất cần sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các Bộ, ngành liên quan, trong đó việc ban hành sớm Quy chế hỗ trợ trong khâu kết nối các chuỗi nông sản an toàn là cần thiết để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thực phẩm trong mỗi bữa cơm gia đình.

 

Hồng Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang