Chủ Nhật, 28/04/2024 05:18:55 GMT+7

Tin đăng lúc 26-08-2023

Lượt xem: 609

Diện mạo mới tại các khu công nghiệp ở Ninh Thuận

Theo quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận thành lập 4 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.830 ha, thu hút 34 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 3.041 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI hơn 671 tỷ đồng.
Diện mạo mới tại các khu công nghiệp ở Ninh Thuận
Công ty TNHH Ðầu tư Việt Sun Ninh Thuận (Khu công nghiệp Thành Hải) sản xuất trên dây chuyền may đạt tiêu chuẩn quốc tế

Từ năm 2022 đến nay, nhiều nhà máy sản xuất của nhà đầu tư thứ cấp đã đi vào hoạt động, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ninh Thuận.

 

Thay nhà đầu tư kém năng lực

 

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận Sử Ðình Vinh cho biết, địa bàn tỉnh hiện có 18 dự án tại các khu công nghiệp Thành Hải, Phước Nam và Du Long đang hoạt động, với các ngành: chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, nông sản xuất khẩu, may mặc,… tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động ở địa phương với mức lương bình quân đầu người 7,5 triệu đồng/tháng. Năm 2015, Khu công nghiệp Thành Hải, quy mô diện tích 78 ha tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ cụm công nghiệp lên. Nhờ lợi thế nằm ven Quốc lộ 1, khu công nghiệp này đã thu hút 20 dự án đăng ký của nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn hơn 2.386 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả.

 

Sau hơn 14 năm khởi công rồi tạm dừng, đến cuối năm 2021, Khu công nghiệp Du Long hơn 407 ha ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc đã đổi chủ mới là Công ty cổ phần Ðầu tư khu công nghiệp Hoàng Thành Du Long. Sau khi tiếp nhận, nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành cơ bản các hạng mục hạ tầng của giai đoạn 1 vào tháng 7/2022 và đón nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên là Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận (Hàn Quốc) ký hợp đồng thuê 4,74 ha đất xây dựng hai khu nhà xưởng lớn thuộc dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em, sau đó đi vào hoạt động giữa năm 2023, công suất 6 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương.

 

Từ đầu năm đến nay, thông qua các chương trình quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, Công ty cổ phần Ðầu tư khu công nghiệp Hoàng Thành Du Long đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức xúc tiến đầu tư với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc),…

 

Ông Kim Jin Man, Giám đốc giám sát Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận chia sẻ: "Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Du Long đáp ứng yêu cầu của chúng tôi. Với lợi thế nằm cạnh Quốc lộ 1, gần cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và nguồn lao động tại địa phương dồi dào, chúng tôi đang mở rộng sản xuất để tăng số lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh với chiến lược đã đề ra và giới thiệu cho nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tìm đến đầu tư".

 

Tháng 2/2023, một công ty con của Công ty cổ phần Sản xuất và Ðầu tư Hoàng Thành Ðô Lương cũng khởi công xây dựng Nhà máy May Hoàng Thành Ðô Lương với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 250 tỷ đồng). Theo kế hoạch, trong năm nay, công ty sẽ hoàn thành hai xí nghiệp may, đi vào sản xuất khoảng 25 triệu sản phẩm áo sơ-mi, veston/năm, tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động; đến năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động với thu nhập ổn định tại tỉnh Ninh Thuận.

 

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư khu công nghiệp Hoàng Thành Du Long Nguyễn Văn Sang cho biết, từ tháng 5 đến tháng 8, công ty đã ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty TNHH Sợi Ðà Lạt (Lâm Ðồng) và Công ty TNHH DONGLIM FUR (Hàn Quốc), chuyên sản xuất vải sợi cao cấp. Hiện, hai nhà đầu tư này đang hoàn tất các thủ tục pháp lý, dự kiến đến quý I/2024 sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

 

Hơn 10 năm, Khu công nghiệp Phước Nam diện tích 370 ha ở huyện Thuận Nam gần như bỏ hoang. Cuối năm 2021, tỉnh Ninh Thuận đã chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Công ty cổ phần Ðầu tư Phước Nam-Ninh Thuận, đến nay tiến độ xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 (151 ha) đã đạt hơn 80%. Với vị trí kết nối với nhiều trục giao thông quan trọng như đường sắt, Quốc lộ 1 và cảng tổng hợp Cà Ná, cho nên khu công nghiệp đã thu hút 12 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư 218 tỷ đồng. Hiện, Công ty cổ phần năng lượng xanh Atlantic-Ninh Thuận và Công ty TNHH Hoàng Thiên Phú Ninh Thuận ký hợp đồng thuê đất để triển khai dự án. Các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản,… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

 

Tiếp thêm động lực mới

 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh cho biết: Các nhà máy trong khu công nghiệp hoàn thành và đi vào hoạt động đang tiếp thêm động lực mới cho nền kinh tế của tỉnh vươn lên. Sắp tới, hàng nghìn lao động ở địa phương không phải vất vả tìm kiếm việc làm tại những tỉnh khác như trước đây.

 

Chúng tôi đến thăm Công ty cổ phần Thực phẩm Cánh Ðồng Việt (VietFarm), có vốn đầu tư 70 tỷ đồng, là một trong những nhà đầu tư thứ cấp hoạt động sớm nhất (từ tháng 9/2015) tại Khu công nghiệp Thành Hải. Giám đốc Công ty Nguyễn Ðức Thuận chia sẻ: Công ty đã tuyển dụng gần 400 lao động địa phương, mức lương bình quân hằng tháng từ 6,5 đến 8 triệu đồng/người, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động. Cùng với việc đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại theo chuẩn quốc tế FSSC 22000, công suất hơn 120 tấn nha đam/ngày, công ty còn cử đội ngũ kỹ sư trực tiếp hướng dẫn tận vườn cho hơn 300 hộ nông dân trồng hơn 200 ha về cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, USDA Organic đạt chuẩn xuất khẩu. Các hộ dân đã ký hợp đồng liên kết, cung cấp cho công ty khoảng 20.000 tấn nha đam nguyên liệu/năm. Với năng suất từ 480 đến hơn 500 tấn/ha/năm, nông dân thu về từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm, lãi cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây ngắn ngày khác.

 

Nhiều năm qua, hàng chục nghìn thanh niên tỉnh Ninh Thuận phải tìm đến các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai,… tìm việc làm, thì nay, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy sản xuất, giúp lao động dễ dàng tìm việc làm tại địa phương. Tháng 10/2021, Công ty Ðầu tư Việt Sun Ninh Thuận ở Thành phố Hồ Chí Minh đến Khu công nghiệp Thành Hải nhận sang nhượng lại dự án may của Công ty may Hoàng Anh và nhanh chóng đi vào hoạt động tháng 2/2022. Ðến nay, công ty đã sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm may mặc đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ,… Công ty đã tuyển dụng được 1.400 lao động tay nghề cao, mức lương 7,5-8 triệu đồng/người/tháng, nâng công suất lên khoảng 50.000 sản phẩm may mặc xuất khẩu/tháng, doanh thu ngày càng tăng.

 

Chị Trần Thị Trang, sinh năm 1997 ở thôn An Xuân, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) tâm sự: "Khi xảy ra dịch Covid-19, tôi trở về quê sau nhiều năm làm công nhân may ở một khu công nghiệp tại Ðồng Nai và không có việc làm, đời sống rất khó khăn. Nay, tôi được công ty tuyển dụng làm việc gần nhà, thu nhập ổn định từ 7,5-8 triệu đồng/tháng và được hưởng chính sách về quyền lợi của người lao động, đời sống được cải thiện rất nhiều so với trước".

 

Với mục tiêu thu hút nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy diện tích sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, hằng tháng, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng đẩy nhanh tiến độ cũng như chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang