Thứ Năm, 09/05/2024 07:31:14 GMT+7

Tin đăng lúc 08-08-2016

Lượt xem: 2742

Điều chỉnh viện phí: Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Theo lộ trình, trong tháng 8/2016 sẽ tiến hành điều chỉnh giá các dịch vụ y tế bao gồm tính cả tiền công, tiền lương được áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao từ 90 - 95% trở lên. Tuy nhiên, lo ngại viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên vấn đề cân nhắc lại thời điểm.
Điều chỉnh viện phí: Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân
Từng bước thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Lùi thời điểm 

 

Tháng 6/2016, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất lùi thời hạn tăng viện phí đợt 2 năm 2016 vào tháng 8 này. Theo tính toán, sẽ điều chỉnh giá viện phí của 1.900 dịch vụ y tế với mức tăng khá mạnh, nhưng chỉ áp dụng với đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT.

 

Theo lộ trình, ngoài đợt tăng viện phí lần 2 trong năm 2016, từ cuối 2016 đến nửa đầu 2017 sẽ tiếp tục có thêm nhiều đợt điều chỉnh viện phí mới. Dự kiến mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành phố (theo thứ tự các địa phương có độ bao phủ BHYT từ cao xuống thấp và những áp dụng trước tại những tỉnh có mức tác động CPI thấp).

 

Tuy nhiên, vừa qua, phía BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã quyết định chưa thực hiện trong tháng 8 vì lo ngại sẽ tác động mạnh đến CPI. Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, mốc thời gian dự kiến triển khai việc tăng viện phí đợt 2 năm 2016 đang được cân nhắc từ giờ tới cuối năm.

 

Tăng độ bao phủ BHYT

 

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng, sự điều chỉnh viện phí có ảnh hưởng lớn đến các đối tượng cần được đảm bảo an sinh xã hội hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y Tế - cho rằng, cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn.

 

Cụ thể, theo ông Liên, năm 2015, Luật BHYT cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng cơ bản đã không làm ảnh hưởng đến 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... Các đối tượng này khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015.

 

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Vì vậy, theo ông Liên, với lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí như hiện nay, điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm. Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.

 

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế: Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí, hiện mới tính 3/7 yếu tố trực tiếp. Vì vậy, mỗi đơn vị thuộc Bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau, giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện cùng hạng cũng khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang