Thứ Sáu, 26/04/2024 22:44:15 GMT+7

Tin đăng lúc 28-03-2019

Lượt xem: 1290

Giá điện tăng nhưng lạm phát 2019 vẫn dự báo ở mức 3,5%

Việc tăng giá điện 8,36% dự kiến sẽ khiến CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%; đồng thời sẽ tác động mang tính lan truyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả, nhưng ở mức hạn chế. Vì vậy, giá điện tăng sẽ không gây rủi ro lớn cho lạm phát năm 2019.
Giá điện tăng nhưng lạm phát 2019 vẫn dự báo ở mức 3,5%

Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo cập nhật lạm phát với chủ đề “Giá điện tăng sẽ không gây rủi ro cho lạm phát năm 2019”, vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát hành.

 

CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng nhẹ

 

Báo cáo của BVSC cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 và tháng 2/2019 có mức tăng lần lượt là 0,1% và 0,8%. Mặc dù CPI có mức tăng khá mạnh trong tháng 2 nhưng không đáng lo ngại do ảnh hưởng chủ yếu bởi yếu tố mùa vụ (dịp Tết Nguyên đán) khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng, đẩy mặt bằng giá tăng lên.

 

Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2019, CPI theo năm ở mức 2,64%, duy trì xu hướng giảm và thấp hơn khá nhiều mức đỉnh 4,67% vào tháng 5/2018. Việc hạ nhiệt của CPI theo năm chủ yếu nhờ đóng góp của nhóm hàng giao thông (giảm 3%), trong khi nhóm hàng y tế chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ và không còn đột biến như năm 2017.


Theo tính toán của BVSC, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%. Do thời điểm tăng giá điện vào ngày 20/3 nên mức tăng 0,3% trên sẽ chỉ phân bổ một phần vào số liệu CPI của tháng 3, còn lại sẽ tiếp tục phản ánh trong tháng 4.

 

Bên cạnh đó, sau khi đã tăng mạnh trong tháng 2, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm) nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong tháng 3 (điều thường thấy trong các năm gần đây). Do vậy, BVSC cho rằng, CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng nhẹ 0,1 - 0,3%.

 

Tác động vào CPI cả năm không lớn

 

Theo thống kê của BVSC, kể từ năm 2010 đến nay, giá điện bình quân đã được tăng 9 lần với mức tăng cao nhất thuộc về năm 2011 với 15,3%. Kể từ năm 2013 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh thưa hơn và biên độ mỗi lần tăng cũng thấp hơn (5 - 9%).

 

Trong quá khứ, tác động vòng 2 của giá điện lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong thời gian từ 3 - 6 tháng, sau đó không thật sự rõ ràng, thậm chí có những năm CPI vẫn giảm dù giá điện tăng như 2015.

 

Quan sát của BVSC cho thấy, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điều chỉnh giá điện (giai đoạn 2010 - 2011) thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh.

 

Trong giai đoạn hiện tại, BVSC cho rằng, các yếu tố liên quan đến cung - cầu trong nền kinh tế đang không tạo ra nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011. Do vậy, tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có, nhưng sẽ ở mức hạn chế.

 

Đối với giá nhóm hàng giao thông, giá dầu thế giới đã bật tăng kể từ đầu năm 2019 đến nay nhưng chưa gây nhiều áp lực lên giá xăng dầu trong nước do liên Bộ Tài chính - Công thương đang tăng cường mức chi từ quỹ bình ổn xăng dầu thay vì tăng mạnh giá bán lẻ.

 

Theo mô hình định lượng của BVSC, trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu brent tiếp tục tăng đều và đóng cửa ở mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay thì lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,53%.


Được biết, việc tăng giá điện đã được BVSC đưa vào mô hình dự báo trong báo cáo chiến lược năm 2019 hồi đầu năm, với giả định tăng 7,5%. Mức tăng thực tế 8,36% của giá điện lần này không cao hơn nhiều và không ảnh hưởng trọng yếu đến dự báo của BVSC.

 

Do vậy, “chúng tôi giữ nguyên quan điểm, lạm phát trung bình năm 2019 sẽ ở mức quanh 3,5%. Trong kịch bản dầu brent ở mức 65 USD/thùng và 80 USD/thùng, thì lạm phát trung bình của Việt Nam sẽ lần lượt ở mức 3,33% và 3,76%” - BVSC dự báo./.

 

Nguồn Thời báo tài chính


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang