Thứ Bẩy, 27/04/2024 13:09:49 GMT+7

Tin đăng lúc 08-10-2023

Lượt xem: 747

Giá phân bón tăng, thị trường vẫn trong tầm kiểm soát

Giá phân bón trong nước và thế giới tăng 2 tháng trở lại đây. Tuy nhiên theo nhận định, giá phân bón tăng nhưng thị trường vẫn bình ổn, nằm trong tầm kiểm soát.
Giá phân bón tăng, thị trường vẫn trong tầm kiểm soát
Trong những tháng cuối năm, PVFCCo sẽ đưa ra thị trường thêm 500 ngàn tấn phân bón Phú Mỹ các loại

Xuất khẩu phân bón giảm, nhập khẩu tăng

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 1,1 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 449,95 triệu USD, giá trung bình 408,8 USD/tấn, giảm 10,3% về khối lượng, giảm 43,2% về kim ngạch và giảm 36,7% về giá so với cùng kỳ năm 2022.

 

Riêng tháng 8/2023 xuất khẩu 158.088 tấn phân bón các loại, đạt 58,89 triệu USD, giá 372,5 USD/tấn, tăng 12% về khối lượng, tăng 7,8% kim ngạch nhưng giảm 3,9% về giá so với tháng 7/2023; So với tháng 8/2022 thì tăng 34% về lượng, nhưng giảm 16,5% kim ngạch và giảm 37,7% về giá.

 

Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 36,5% trong tổng khối lượng và chiếm 37,3% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 401.941 tấn, tương đương 167,74 triệu USD, giá trung bình 417,3 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng nhưng giảm 6,8% kim ngạch và giá giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 8/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 60.723 tấn, tương đương 25,15 triệu USD, giá trung bình 414,2 USD/tấn, tăng 22% về lượng và tăng 27,7% kim ngạch, giá tăng 4,6% so với tháng 7/2023.

 

Trái ngược với tình hình xuất khẩu phân bón, nhập khẩu phân bón 8 tháng tăng cao. Cụ thể, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.283 tấn phân bón, tương đương 159 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 85% về giá trị so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng, nhập khẩu phân bón đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

 

Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 8 ở mức 338 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 7 nhưng giảm 26% so với tháng 8/2022.

 

Giá phân bón tăng cả ở trong nước và thế giới

 

Giá phân bón gần 2 tháng trở lại đây cũng tăng cao cả ở thị trường trong nước và thế giới.

 

Từ đầu tháng 9, theo nguồn tin của Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân ure. Điều này đã tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu, bởi Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới, nên việc đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân urê có thể tạo ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Trung Quốc là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Australia.

 

Ngoài Trung Quốc, một quốc gia khác nằm trong top đầu về xuất khẩu phân bón là Morocco xảy ra trận động đất mạnh nhất thế kỷ vào ngày 8/9 sẽ tác động đến nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn. Morocco sở hữu 70% sản lượng đá phốt pho của thế giới, có lợi thế về sản xuất phân bón, phân lân.

 

Các sự kiện trên đã thúc đẩy giá urê trên thị trường phân bón thế giới tiếp tục tăng, sau khi có mức tăng mạnh do các yếu tố như căng thẳng leo thang ở Biển Đen, nhu cầu urê từ Ấn Độ tăng đột biến (do sản lượng trong nước giảm và diện tích trồng lúa tăng), Ai Cập cắt giảm 30% lượng khí cho sản xuất phân bón (năm ngoái, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu).

 

Trong nước, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển ở miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.

 

Tương tự, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg; Nhà máy Đạm Ninh Bình, Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh giá.

 

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm. Theo đó, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Ngoài ra, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón. Theo VDSC, giá ure thế giới có thể tăng trong những tháng cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha. Ngoài ra tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.

 

Thị trường phân bón trong nước vẫn bình ổn

 

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết mặc dù giá phân bón thời gian gần đây tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân cung-cầu phân bón trong nước vẫn đang ổn định.

 

Theo bà Hương, từ năm 2021, giá phân bón biến động nhiều lần và nếu so sánh với các mốc thời gian trước đây thì giá đã giảm rất sâu. Đến nay, giá phân ure tháng 9/2023 giảm 32-45% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu so sánh với mức kỷ lục thiết lập hồi 4/2023, mức giá này thấp hơn hơn khoảng 50-60%, giá phân ure khoảng 9.900-11.200 đồng/kg. Giá phân DAP và kali cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoài mặc dù có ảnh hưởng bởi biến động từ các nước.

 

Bà Hương cũng cho biết Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón. Tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.

 

Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết trong thời gian tới, cơ quan này sẽ thực hiện loạt giải pháp để ngăn chặn tình hình đầu cơ tăng giá, ổn định thị trường phân bón. Theo đó, cơ quan này sẽ phối hợp với Hiệp hội phân bón, Bộ Công Thương để làm việc với các đơn vị sản xuất phân bón lớn, đặc biệt là 4 nhà máy sản xuất urê trong việc điều tiết sản xuất, nâng cao tính ổn định công suất sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước.

 

Hiện các đơn vị sản xuất phân bón uy tín trong nước cũng đã và đang nỗ lực để cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất. Điển hình như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ, cho biết Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đẩy công suất lên tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay PVFCCo đã đưa ra thị trường 640 ngàn tấn Đạm Phú Mỹ và 90 ngàn tấn NPK Phú Mỹ. Trong những tháng cuối năm, PVFCCo sẽ đưa ra thị trường thêm 500 ngàn tấn phân bón Phú Mỹ các loại.

 

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - đơn vị sản xuất phân bón lớn với các sản phẩm như supe lân, NPK cũng đã và đang cung cấp ra thị trường những sản phẩm phân bón thế hệ mới. Đại diện Công ty cũng cho biết, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, Supe Lâm Thao vẫn nỗ lực bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung cho phân bón vụ cao điểm Đông - Xuân trên cả nước.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang