Thứ Hai, 29/04/2024 09:19:16 GMT+7

Tin đăng lúc 15-06-2023

Lượt xem: 1131

Hà Nam tận dụng mọi nguồn lực phát triển công nghiệp công nghệ cao

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, Hà Nam có hệ thống giao thông đa dạng với đường bộ (gồm Quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ mang tính liên kết vùng cao), đường sắt Bắc - Nam và hệ thống giao thông đường sông. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có các Khu công nghệ cao (CNC), dịch vụ công nghiệp - đô thị, logistics và thương mại…
Hà Nam tận dụng mọi nguồn lực phát triển công nghiệp công nghệ cao
Việc hình thành và phát triển Khu CNC sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư ở cả trong nước và FDI đối với lĩnh vực CNC. Trong ảnh KCN Đồng Văn I, Hà Nam được quy hoạch là KCN đa ngành trong đó có lĩnh vực CNC

Trong mối liên hệ với vùng thủ đô Hà Nội, Hà Nam được xác định trong vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam có chức năng phát triển công nghiệp (CN) đa ngành. Tỉnh Hà Nam định hướng xây dựng quy hoạch để trở thành trung tâm CN CNC, phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển CN.

 

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 2.500ha, trong đó tỷ lệ đất CN chiếm trên 70%, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Thời gian qua, Hà Nam tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển CN. Hà Nam chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các KCN, Khu CNC hiện đại, đồng bộ…, tạo môi trường hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư, lao động đến làm việc tại tỉnh.

 

Tại các KCN đã thu hút được nhiều dự án lớn cho thấy sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Hà Nam như: Công ty TNHH YKK Việt Nam; Công ty Honda Việt Nam; Công ty TNHH Dệt Đài Nguyên; Công ty TNHH Ace Antenna; Công ty Cổ phần Nhựa châu Âu; Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam; Công ty TNHH Qisda Việt Nam... Trong đó, đáng chú ý là KCN Đồng Văn II, diện tích đã đầu tư xây dựng hạ tầng 321 ha, đến nay đã thu hút được 100 dự án đầu tư (77 dự án FDI và 23 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư là 1.179,5 triệu USD và 2.855,57 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều tên tuổi lớn như: Công ty Honda Việt Nam; Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam; Công ty TNHH Dệt Đài Nguyên; Công ty TNHH Ace Antenna…

 

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh chú trọng tăng cường thu hút nhà đầu tư vào các ngành CN ô tô, CN điện tử, công nghệ thông tin, CN chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, CNHT phục vụ các ngành CN, nông nghiệp. Đây là các ngành tận dụng được nền tảng, trình độ phát triển CN hiện có của tỉnh và tiềm năng của Hà Nam.

 

Đối với các ngành CN CNC đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao hơn như các sản phẩm CN CNC, công nghệ sinh học và dược phẩm, Hà Nam sẽ chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các KCN, Khu CNC hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và quảng bá tới các nhà đầu tư lớn về cơ hội và các ưu đãi tại Hà Nam.

 

Việc Khu CNC Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 14/12/2021 được xem là cơ hội giúp Hà Nam tận dụng lợi thế, tạo lập môi trường lý tưởng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về lĩnh vực CNC; khai thác, tận dụng các nguồn lực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

 

Khu CNC Hà Nam được hình thành với mục tiêu thúc đẩy một cách hiệu quả hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC. Đồng thời, đào tạo nhân lực CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC... nhằm phát huy thế mạnh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, đưa tỉnh Hà Nam trở thành trung tâm lớn về khoa học, công nghệ, dịch vụ, thương mại.

 

Trong đó, Khu CNC sẽ tạo thành hệ sinh thái toàn diện với đầy đủ các mắt xích trong chuỗi phát triển CN, CNC trên địa bàn tỉnh cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, định hướng phát triển 3 vùng chức năng (Vùng thí nghiệm CNC; Vùng sản xuất, ứng dụng CNC; Vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo), tập trung vào các lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo), tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm CN mới. Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng CNC, tạo giá trị gia tăng vượt trội, cần nguồn lực đầu tư lớn; trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp, việc thu hút đầu tư và sử dụng tối ưu nguồn đầu tư là một đòi hỏi khách quan, phù hợp với xu thế phát triển.

 

Việc hình thành và phát triển Khu CNC, theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam “sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư ở cả trong nước và FDI đối với lĩnh vực CNC”.

 

Để phát triển Khu CNC, hiện nay Hà Nam đang đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng (điện), hạ tầng KCN; phát triển các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển khu CNC như nhà ở, các dịch vụ phục vụ chuyên gia, người lao động.

 

Cùng với đó, quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục, các thiết chế khoa học và công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kĩ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học và các sản phẩm CN. Đồng thời, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số; từng bước xây dựng xã hội số để tạo thị trường cho các sản phẩm AI, sản phẩm CN CNC, công nghệ số; đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, đảm bảo hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại kết quả cụ thể, thực chất; quan tâm thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp CNC để tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý KCN Hà Nam, cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu cho Tỉnh ủy tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường thu hút đầu tư, chú trọng cải cách thủ tục hành chính cũng như cung cấp dịch vụ đầy đủ cho các nhà đầu tư tới Hà Nam. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa tới các nhà đầu tư đã và đang thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy nhanh công tác quy hoạch các KCN giai đoạn mới để sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư”.

 

Với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, Hà Nam đang tạo ra bước chuyển tích cực trong phát triển CN, gắn với chuyển giao công nghệ, thu hút lao động chất lượng cao. Đây cũng là những tiền đề thuận lợi để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, góp phần đưa Hà Nam trở thành một trong các trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước về CN CNC thân thiện với môi trường, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển CN.

 

Hồng Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang