Thứ Sáu, 03/05/2024 14:21:11 GMT+7

Tin đăng lúc 08-08-2017

Lượt xem: 2874

Hà Nội: Cảnh giác với nạn buôn lậu tiền giả

Thời gian vừa qua, nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ và buôn lậu tiền giả trên địa bàn cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý theo quy định, với các hành vi phạm tội như bán tiền giả lấy tiền thật ăn tỷ lệ chênh lệch cao, hay liều lĩnh “buôn” tiền Việt Nam giả xuyên biên giới để thu lợi nhuận...
Hà Nội: Cảnh giác với nạn buôn lậu tiền giả
Tiền giả. Ảnh minh họa

Nạn buôn lậu tiền giả diễn ra công khai

 

Trên mạng xã hội Facebook hiện xuất hiện nhiều đối tượng bán các loại tiền giả công khai với mệnh giá 200.000 hay 500.000 đồng được bán theo tỷ lệ 1:10, tức 1 đồng tiền thật đổi 10 đồng tiền giả. Chỉ với vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, người dùng Facebook có thể dễ dàng tìm ra rất nhiều tài khoản đang kinh doanh tiền giả. Các tài khoản này không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không có số điện thoại mà chỉ trao đổi với người mua qua Facebook. Số lượng tiền giả nhập về có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan… và được quảng cáo "giống tiền thật đến 98%". Đã có nhiều khách hàng chỉ vì lòng tham mà chấp nhận giao dịch với hình thức như mua 10 triệu đồng tiền giả với giá 3 triệu đồng tiền thật, nhưng sau khi chuyển tiền thì không thấy được giao hàng mới tá hỏa biết mình đã bị lừa mà không dám trình báo cơ quan chức năng, đành "ngậm đắng nuốt cay" vì sợ bị liên đới về tội mua bán tiền giả.

 

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng tiền giả ngày một tăng. Mỗi năm ngân hàng thu vào hàng chục tỷ đồng đồng tiền giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao. Tuy nhiên, thực tế, số lượng tiền giả đang lưu hành trên thị trường đang lớn hơn rất nhiều.

 

 

Tiền giả được rao bán công khai trên mạng xã hội facebook

 

Liên tục phát hiện nhiều vụ vi phạm buôn bán tiền giả

 

Một số vụ việc điển hình của nạn buôn lậu tiền giả từ đầu năm 2017 đến nay đã bị cơ quan chức năng phát hiện, ngày 28/3, cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt giữ để điều tra vụ đối tượng Trần Văn Nghiệp lừa đảo bán tiền giả qua mạng xã hội. Do không có tiền giả như quảng cáo trên mạng xã hội, Nghiệp đã mua loại tiền vàng mã (tiền âm phủ) có kích thước như tiền thật, bọc bên ngoài xấp tiền bằng 1 tờ tiền thật mệnh giá 200.000 đồng, rồi dùng băng dính đen dán kín và rạch hở hai đầu với mục đích lừa đó là xấp tiền giả và được Nghiệp rao bán với tỷ lệ 1 ăn 7, Trần Văn Nghiệp đã gây ra một số vụ lừa đảo bán tiền giả, chiếm đoạt tiền thật của các nạn nhân.

 

Tiếp đó, ngày 24/7, TAND TP Hà Nội đã lần lượt quyết định tuyên phạt Triệu Văn Diện (SN 1981, ở xã Vũ Sơn); Nguyễn Văn Dương (SN 1974, trú xã Đồng Ý, cùng huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) 12 năm tù và 11 năm tù cùng về tội “Vận chuyển tiền giả”. Trước đó, tại phiên xử, cả hai bị cáo cùng khai nhận, năm 2015, Triệu Văn Diện sang Trung Quốc làm thuê và quen biết một nam đối tượng ở nước láng giềng. Sau khi trở lại Việt Nam, tối 30/1/2017, Diện bất ngờ nhận được điện thoại của đối tượng bên Trung Quốc nói có 200 triệu đồng tiền giả (mệnh giá 200.000 đồng/tờ) muốn vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ với tiền công 5 triệu đồng. Trong lúc chờ bàn giao số tiền giả trên thì bất ngờ bị lực lượng công an kiểm tra, bắt giữ. Ngay khi bị tóm, cả hai cùng thừa nhận toàn bộ số tiền bị thu giữ đều là tiền giả.

 

Mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Điều 180 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3-7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3-50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5-12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10-20 năm tù hoặc chung thân. Cũng theo quy định của Bộ luật, nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội lưu hành tiền giả, bất kể lượng tiền giả nhiều hay ít.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang