Thứ Bẩy, 27/04/2024 03:50:30 GMT+7

Tin đăng lúc 27-11-2017

Lượt xem: 4992

Hà Nội: Quan tâm ứng dụng công nghệ chống gian lận thương mại

Năm hết, Tết đến đang tới gần, đây cũng là thời điểm mà nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại thường có chiều hướng gia tăng. Trước vấn nạn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp này, vừa qua, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, người tiêu dùng đang khá quan tâm tới công nghệ chống gian lận thương mại do Công ty SICPA (Thụy Sỹ) đưa ra.
Hà Nội: Quan tâm ứng dụng công nghệ chống gian lận thương mại
Người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ smartphone - một ứng dụng đang được quan tâm

Theo đó, trong một Hội thảo gần đây, Công ty SICPA (Thụy Sỹ) đã cùng với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Quỹ Chống hàng giả tổ chức giới thiệu một cách sâu rộng về giải pháp ứng dụng công nghệ này.

 

Tại Hội thảo, đại diện Công ty SICPA đã giới thiệu 2 giải pháp chống hàng giả, gian lận thương mại là: Giải pháp đánh dấu sản phẩm (Petromark) và Hệ thống theo dõi truy xuất sản phẩm (Sicpatrace). Đây cũng là giải pháp được SICPA chuyển giao cho Chính phủ của 17 quốc gia trên thế giới và đã mang lại hiệu quả cao.

 

Theo đó, Petromark cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng đánh dấu sản phẩm để phân biệt tính chất hợp pháp cũng như kiểm tra được sản phẩm phi pháp. Đơn cử, đối với mặt hàng xăng dầu, SICPA có thể đưa ra giải pháp phân biệt loại nhiên liệu nào chịu thuế và loại nào không chịu thuế, bằng cách thêm hợp chất vào nhiên liệu mà không ảnh hưởng đến sản phẩm liên quan. Loại hóa chất này cho phép cơ quan quản lý kiểm tra được khối lượng, chất lượng sản phẩm xăng dầu trong cả quá trình từ sản xuất đến chuỗi cung ứng, lưu thông và tiêu dùng. Nhờ đó, các đối tượng gian lận không thể gian lận bằng cách pha trộn giữa các lô hàng với nhau...

 

Đối với Sicpatrace, giải pháp này sẽ cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng, người tiêu dùng có thể theo dõi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phân biệt hàng thật và giả thông qua dán nhãn sản phẩm, được điện tử hóa. Đặc biệt, SICPA có khả năng cung cấp hơn 30 cấp độ bảo mật và nhận biết tem nhãn thông qua công nghệ mực in dùng trong sản xuất tiền. Từ đó, giúp cho cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhận biết, kiểm tra bằng thiết bị kiểm tra nhanh, kể cả kiểm tra qua điện thoại thông minh.

 

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 chúng tôi tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận xăng dầu; Kiểm tra chuỗi cung ứng từ sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng xăng dầu. Bên cạnh đó, vấn đề chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm chức năng, mỹ phẩm cũng đang được quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian tới.

 

Chị Hoàng Thanh Trà – người tiêu dùng ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Với thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ, chúng tôi thực sự quan tâm tới những giải pháp chống gian lận thương mại như thế này. Bởi trong cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại này, vấn nạn gian lận thương mại sẽ góp phần làm xói mói văn hóa, kéo chậm sự phát triển của Việt Nam nếu chúng ta không cùng nhau đấu tranh mạnh mẽ”.

 

Ông Đàm Thanh Thế cũng nhấn mạnh thêm: "Các giải pháp SICPA đưa ra hiện nay sẽ được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia từng bước nghiên cứu, tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi với cơ quan chức năng. Từ đó, báo cáo Chính phủ để áp dụng vào thực tế ở Việt Nam, nhằm đưa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao nhất...".

 

Có thể nói, giải pháp ứng dụng công nghệ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được người tiêu dùng quan tâm, hưởng ứng. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ giúp cho các cơ quan chức năng tìm ra bước đột phá mới mà còn giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm.

 

Hà Nam


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang