Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:37:07 GMT+7

Tin đăng lúc 20-06-2017

Lượt xem: 3774

Hải Phòng: Đề xuất cơ chế phát triển cụm công nghiệp

Việc nhanh chóng có phương án xử lý các cụm công nghiệp (CCN) được hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành sẽ giúp Hải Phòng thuận lợi trong phát triển các CCN. Tuy nhiên, để công tác quản lý chặt chẽ hơn, thu hút đầu tư vào CCN hiệu quả, Sở Công Thương thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp.
Hải Phòng: Đề xuất cơ chế phát triển cụm công nghiệp
Nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

Hải Phòng hiện có 5 CCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút 80 doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 94,06%.

 

Cùng với khuyến khích xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thành phố cũng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ các CCN giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp điện, nước đến chân hàng rào cụm... Tiêu biểu với CCN Vĩnh Niệm và Tân Liên A, thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng theo phương thức ngân sách ứng trước và thu hồi sau. CCN thị trấn Tiên Lãng cũng được sử dụng 100% vốn ngân sách để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn 316 tỷ đồng. Theo ghi nhận chung, công tác phát triển CCN thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan; tạo thêm nhiều mặt bằng sản xuất công nghiệp nông thôn; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp…

 

Đặc biệt, thành phố đã sớm có phương án xử lý các CCN được hình thành trước khi Quy chế quản lý được ban hành theo Quyết định số 105/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phố đã bãi bỏ quyết định thành lập, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư đối với 9 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa được triển khai và không phù hợp với các quy định của quy chế.

 

Tuy nhiên, do Đề án Quy hoạch phát triển các CCN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 vẫn chưa được phê duyệt, gây khó cho công tác quản lý cũng như thiếu căn cứ pháp lý trong xem xét, thành lập các CCN mới… Đồng thời, do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ nên không khuyến khích được DN tham gia đầu tư hạ tầng CCN.

 

Cùng đó, trong phương án xử lý các CCN hình thành trước quy chế, CCN Vĩnh Niệm được giao cho UBND quận Lê Chân quản lý và dự kiến sau năm 2020 sẽ có phương án di dời hoặc chuyển mục đích sử dụng đất. Tương tự, CCN An Lão và Quán Trữ được điều chỉnh quy mô diện tích, trong đó, cụm An Lão tăng diện tích từ 10,96ha lên 50ha; cụm Quán Trữ giảm diện tích từ 55,6ha xuống còn 46ha. Tuy nhiên, các phương án này chỉ được thực hiện khi quy hoạch được phê duyệt và đưa vào triển khai.

 

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng kiến nghị: Ngân sách thành phố bố trí 100% vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số CCN có trong quy hoạch nhưng khó khăn về kết nối hạ tầng, khó kêu gọi đầu tư như: CCN Thị trấn Tiên Lãng, Tân Trào, Giang Biên, Dũng Tiến - Giang Biên, An Thọ, Chiến Thắng, Liên Khê, làng nghề Cổ Am và Trung tâm dịch vụ hậu cần và phát triển nghề cá Trân Châu. Đầu tư xây dựng mới khu xử lý nước thải tập trung tại các CCN chưa có quyết định thành lập nhưng đã có nhiều DN đang sản xuất gồm các CCN: Quán Trữ; đường 355, Hải Thành, An Tràng 1, An Tràng 2, Quốc Tuấn. bên cạnh đó, ngân sách thành phố ứng trước 100% kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng CCN và sẽ thu lại sau khi đã lựa chọn chủ đầu tư; hỗ trợ hoạt động phát triển CCN…

 

Sở Công Thương TP. Hải Phòng đề nghị UBND thành phố sớm xem xét, phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các CCN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm tạo căn cứ pháp lý cho công tác quản lý, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng các CCN.

 

 

 Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang